Tối ưu hóa từ khóa với các chủ đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp là một phương pháp SEO truyền thống được áp dụng rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng bão hòa, việc triển khai và áp dụng chiến lược mới là điều cần thiết để doanh nghiệp chiếm được lợi thế trước đối thủ của mình. Trong đó, Tangential SEO là một kỹ thuật SEO mới mà bạn có thể tham khảo. Hãy cùng Vietnix tìm hiểu rõ hơn về Tangential SEO tại đây.
Định nghĩa Tangential SEO
Tangential SEO là một chiến lược SEO nhằm tạo và tối ưu hóa nội dung cho các chủ đề có liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Điều này khiến cho những khách hàng dù không tích cực tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ của bạn nhưng vẫn hứng thú với nội dung bạn tạo ra và thấy chúng có liên quan hoặc hữu ích.
Đây là một chiến lược được thiết kế để xây dựng khả năng hiển thị thương hiệu, thiết lập uy tín, thu hút một lượng đối tượng khách hàng rộng hơn, và cuối cùng là thu hút nhiều traffic hơn đến website của bạn. Tangential SEO được rất nhiều SEOer, content marketer áp dụng để đa dạng hóa chiến lược, giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận trực tuyến…
Tangential Content là gì?
Tangential Content được hiểu là nội dung không liên quan trực tiếp đến sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn đang cung cấp.
Ví dụ: Thay vì chỉ tập trung vào việc triển khai nội dung về các sản phẩm thời trang thể thao, Nike còn tạo những nội dung khác như playlist nhạc khi tập luyện, playlist nhạc cho các tâm trạng khác nhau, xu hướng âm nhạc thịnh hành trên toàn cầu, chia sẻ, thảo luận về thiết kế đô thị và những tác động đến hoạt động thể chất ngoài trời của mọi người…
Có thể thấy rằng, những chủ đề này không liên quan trực tiếp đến các sản phẩm/dịch vụ mà Nike đang cung cấp, nhưng chúng lại tạo cảm giác hứng thú và thu hút người dùng truy cập để đọc nội dung hoặc cùng thảo luận về một chủ đề nào đó. Dưới đây là một số ví dụ tương tự:
- Starbucks có thể triển khai các nội dung về sách, văn học hoặc tạo câu lạc bộ sách cho khách hàng của mình…
- Apple có thể khám phá các chủ đề khác như thiết kế nội thất, sự ảnh hưởng của yếu tố không gian đến năng suất và sự sáng tạo của con người…
- Bên cạnh chủ đề nội thất, IKEA có thể phát triển những nội dung khác như: Mẹo tạo không gian xanh trong các căn hộ nhỏ, công thức nấu ăn với dụng cụ bếp hạn chế, cách làm vườn trong thành phố…
Tại sao nên tạo Tangential Content?
Tangential Content mang lại nhiều lợi ích nổi bật cho các doanh nghiệp, bao gồm khả năng gia tăng mức độ tiếp cận người dùng, cải thiện hiệu suất SEO và nâng cao độ nhận diện thương hiệu (brand awareness). Cụ thể là:
Phạm vi tiếp cận rộng
Khi bạn khai thác Tangential Content, bạn có thể thu hút được đối tượng khách hàng mục tiêu ở phạm vi rộng hơn. Đó có thể là những người quan tâm đến những chủ đề liên quan xoay quanh sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang cung cấp.
Chẳng hạn như khi cung cấp thức ăn tốt cho sức khỏe (eat clean), bạn có thể viết những chủ đề xoay quanh chủ đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để thu hút cả những khách hàng có hứng thú đến khía cạnh này. Mặc dù hiện tại họ chưa có nhu cầu tìm hiểu và mua sản phẩm eat clean, nhưng họ vẫn truy cập websute của bạn vì những nội dung trên.
Gia tăng mức độ tương tác
Tương tự với việc bạn có một nhà hàng, khi bạn biết cách thay đổi và mở rộng thực đơn, bạn sẽ thu hút nhiều khách hàng đến với cửa hàng của mình hơn. Việc tạo nên chủ đề liên quan trên website cũng gia tăng sự tham gia và tương tác của khách truy cập – nhất là khi nội dung của bạn thật sự hữu ích và có giá trị đối với họ.
Tạo dựng hình ảnh thương hiệu uy tín, chuyên nghiệp
Bạn có thể xây dựng các nội dung liên quan xoay quanh sản phẩm, dịch vụ trên website của mình. Bằng cách dành thời gian nghiên cứu và cung cấp thông tin giá trị với những kiến thức chuyên sâu, bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong mắt khách hàng. Điều này cực kỳ hữu ích trong việc tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đáng tin cậy cho thương hiệu.
Nội dung giàu cảm xúc và phù hợp với khách hàng
Nếu tạo được nội dung phù hợp với phong cách và những vấn đề khách hàng đang quan tâm, bạn có thể dễ dàng tác động đến cảm xúc của họ. Khi bạn gắn liền hình ảnh thương hiệu với các giá trị về cảm xúc, lối sống, khách hàng sẽ dễ dàng ghi nhớ thương hiệu giữa hàng ngàn cái tên khác trên thị trường hiện nay.
Xây dựng link building
Những nội dung hữu ích, có giá trị thường được người đọc chia sẻ về các trang mạng xã hội của mình để những ai quan tâm có thể tham khảo. Ngoài ra, một bài viết nhận về nhiều đánh giá và đề xuất tích cực thường được gắn backlink vào những website khác. Khi đó, website của bạn sẽ trở nên uy tín và được biết đến nhiều hơn, chưa kể là điều này còn mang lại lợi thế lớn trong SEO.
Tăng hiệu suất SEO
Nội dung đa dạng và hữu ích sẽ thu hút lượng traffic khủng về website của bạn. Điều này không chỉ gia tăng hiệu suất SEO mà còn góp phần tạo ra conversion rate cho website, nhất là đối với những website đã xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín thông qua những chủ đề chuyên sâu trong lĩnh vực của mình.
Ở phần tiếp theo, Vietnix sẽ hướng dẫn bạn cách tạo ý tưởng cho Tangential Content.
Cách tạo ý tưởng cho Tangential Content
Trong hướng dẫn dưới đây, Vietnix sẽ áp dụng cho một công ty cung cấp dịch vụ tẩy lông, làm đẹp.
Bước 1: Thiết lập chân dung khách hàng (buyer persona)
Chân dung khách hàng (buyer persona) là một mô tả cơ bản hay một hình mẫu giả định đại diện cho khách hàng lý tưởng của doanh nghiệp. Khái niệm này thường được xây dựng dựa trên dữ liệu thực tế và nghiên cứu thị trường (market research) về khách hàng hiện tại của công ty. Bằng cách xây dựng chân dung khách hàng, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về khách hàng và dễ dàng phát triển các chiến lược phù hợp để “đi sâu vào tâm trí” của họ.
Chân dung khách hàng bao gồm các thông tin như:
- Nhân khẩu học.
- Kiểu hành vi.
- Động lực, nhu cầu.
- Mục tiêu mua hàng.
- Thách thức, giá trị.
- Nỗi sợ hãi.
Bước 2: Tạo Mind Map (Sơ đồ tư duy)
Sơ đồ tư duy thường bắt đầu với một ý tưởng chính được đặt tại trung tâm. Từ ý tưởng trung tâm đó, bạn có thể phân nhánh thành các chủ đề chính ở xung quanh. Sơ đồ này được ví như một cái cây đang dần phát triển các cành nhánh, ở mỗi nhánh chính lại mọc thêm nhiều nhánh nhỏ. Trong đó, mỗi một nhánh sẽ đại diện cho một chủ đề hoặc một ý tưởng liên quan.
Trong sơ đồ tư duy minh họa bên dưới, chúng ta sẽ đặt tên chân dung khách hàng (trường hợp này là Sarah Thompson) tại vị trí trung tâm, sau đó phát triển các nhánh khác nhau, mỗi nhánh lại đại diện cho các giá trị, nguyện vọng và sở thích của người mua.
Đây không phải là giai đoạn nghiên cứu từ khóa nên bạn không cần phải quá bận tâm về số lượng tìm kiếm keyword. Ngược lại, bạn cần tập trung nghiên cứu chân dung khách hàng và đặt mình vào góc nhìn của họ để đưa ra những chiến lược marketing tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo ra nhiều mind map tương ứng với các phân khúc khách hàng mục tiêu khác nhau để có cái nhìn rõ nét nhất về từng đối tượng tiêu biểu. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của các công cụ phân tích dữ liệu để xác định chân dung khách hàng phù hợp nhất. Chẳng hạn với một công ty tẩy lông, sau khi phân tích bằng Similarweb, bạn có thể nhận thấy rằng nam giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khía cạnh này.
Khi đó, bạn có thể tạo nên một mind map cho khách hàng nam. Cần lưu ý là sơ đồ tư duy phải được thực hiện một cách khách quan để thể hiện chính xác nhất những đặc điểm chung của một nhóm nhân khẩu học nào đó. Đặc biệt, sự đa dạng trong góc nhìn có thể giúp cho chiến lược nội dung của bạn trở nên phong phú hơn rất nhiều.
Bước 3: Tìm dữ liệu để hỗ trợ ý tưởng
Bây giờ, bạn chỉ cần đưa tất cả những câu hỏi mình đã triển khai trong mind map lên Google để theo dõi kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị cái gì. Với ví dụ minh họa bên dưới, có thể thấy rằng truy vấn đầu tiên không có bất kỳ lượng tìm kiếm (volume – khung màu đỏ) nào. Mặc dù vậy, Google vẫn cung cấp một loạt kết quả liên quan (được thể hiện trong khung màu xanh của hình). Như vậy, ngay cả khi truy vấn đó không có lượt tìm kiếm thì vẫn có những nội dung liên quan khác thu hút sự quan tâm của người dùng.
Khi đó, bạn có thể sử dụng một số công cụ để thu thập tất cả các từ khóa liên quan. Trong bài viết này, Vietnix sẽ sử dụng Ahrefs – một công cụ vô cùng hữu ích và được ứng dụng rộng rãi hàng đầu hiện nay.
Ahrefs cho phép người dùng click vào từng kết quả tìm kiếm và xuất các từ khóa liên quan một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Bước 4: Lặp lại cho mỗi ý tưởng nội dung
Cứ thế, bạn tiếp tục thực hiện tương tự cho những câu hỏi khác đã được thể hiện trong mind map để thu thập dữ liệu và lên ý tưởng cho nội dung của mình. Đừng vội bỏ qua những truy vấn không có lượng tìm kiếm, vì chúng vẫn có thể mang lại ý tưởng tuyệt vời cho bạn với các kết quả liên quan.
Bước 5: Tìm từ khóa bổ sung mà đối thủ của bạn chưa khai thác
Sau khi thực hiện các bước trên, bạn đã sở hữu một danh sách từ khóa có liên quan đến thương hiệu và lĩnh vực hoạt động của công ty. Các từ khóa sẽ tương ứng với những câu hỏi, băn khoăn và điểm đau (pain point) của khách hàng mục tiêu mà công ty hướng đến.
Bằng cách hiểu rõ tâm lý khách hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược nội dung phù hợp để giải quyết “nỗi đau” và vấn đề họ đang gặp phải. Điều này không chỉ giúp khách hàng tin tưởng và nhớ đến thương hiệu, mà nó còn thúc đẩy họ mua hàng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cho website.
Tuy nhiên, đối thủ của bạn cũng có thể đang sở hữu những từ khóa mà bạn thu thập được từ các công cụ SEO. Cuộc đua TOP cho cùng một từ khóa đã được quá nhiều đối thủ triển khai là vô cùng khó khăn. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian và khoảng cách, bạn nên xây dựng những nội dung “độc nhất” – nội dung ít hoặc chưa được phát hiện. Để sở hữu từ khóa chưa ai có, bạn có thể tìm thêm từ các trang mạng xã hội, các diễn đàn hoặc các website UGC (User-Generated Content – Nội dung do người dùng tạo).
Lý do là vì các diễn đàn như Quora hay Reddit đều là những nơi sở hữu lượng người tham gia khổng lồ. Mỗi ngày, sẽ có người đăng vô số câu hỏi mà họ không tìm được câu trả lời trên Internet. Đặc biệt, tại Reddit, bạn có thể chọn các topic và subreddit cụ thể để tham khảo các câu hỏi thu hút được sự quan tâm từ đông đảo người dùng.
Trên các website UGC, đây là nơi tồn tại rất nhiều câu hỏi, nhưng vì người dùng thường diễn đạt chúng theo nhiều cách khác nhau nên các công cụ từ khóa có thể gặp khó khăn trong việc đo lường search volume. Đó là lý do những biến thể này có thể sẽ không xuất hiện trong danh sách từ khóa của công cụ, nhưng chúng lại tiềm năng hơn rất nhiều so với những gì mà bạn nghĩ.
Quay lại ví dụ về công ty tẩy lông, bạn có thể khai thác hàng ngàn câu hỏi và ý tưởng chưa được làm rõ trên Quora. Khi đó, bạn có thể lấy tất cả những từ khóa dưới đây.
Để tìm kiếm từ khóa và thu thập thông tin từ các diễn đàn, website UGC, bạn có thể tạo một công cụ lấy dữ liệu tự động. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên môn và cần đầu tư nhiều thời gian. Vậy nên, bạn có thể tham khảo một tiện ích mở rộng của Chrome có tên là Scraper để tối ưu hóa quy trình này. Với Scraper, bạn chỉ cần click chuột phải và lấy thông tin từ tất cả các câu hỏi liên quan một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Bước 6 (Tùy chọn): Sử dụng AI để các câu hỏi bớt “Chatty” hơn
Những câu hỏi được người dùng đặt trên diễn đàn thường đậm chất “chatty” với các lỗi chính tả, các từ viết tắt, từ địa phương, cách đặt câu kỳ lạ, khó hiểu… Lúc này, bạn có thể sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để câu hỏi bớt “chatty” hơn.
Bạn có thể sử dụng lời nhắc sau để câu hỏi trở nên ngắn gọn, dễ hiểu hơn:
“Viết lại các câu hỏi Reddit sau thành một câu đơn giản và trình bày tất cả vào trong một bảng.”
Sau đó, ChatGPT sẽ phản hồi với kết quả sau:
Bằng cách này, câu hỏi sẽ trở nên ngắn gọn, dễ hiểu và dễ khai thác hơn rất nhiều so với phiên bản ban đầu.
Bước 7 (Tùy chọn): Nhận tất cả các câu hỏi liên quan
Sau khi đã thu thập tất cả các câu hỏi từ diễn đàn, bạn hãy tiếp tục thu thập các câu hỏi liên quan bằng một số công cụ hỗ trợ như People Also Ask. Tương tự bước 6, đây không phải là bước quan trọng mà bạn buộc phải thực hiện.
Bước 8: Lấy dữ liệu về search volume cho tất cả truy vấn mới
Dữ liệu về từ khóa mà bạn thu thập được từ các công cụ SEO (Ahrefs, Semrush…) đã bao gồm thông tin về search volume. Tuy nhiên, với các truy vấn mới mà bạn khám phá được từ những bước trên, bạn cũng nên sử dụng một công cụ SEO để kiểm tra search volume của chúng. Nhóm từ khóa mới này sẽ bao gồm các keyword đã được trích xuất (có thể đã được chuẩn hóa bằng AI) cùng các câu hỏi liên quan thu thập được từ People Also Ask.
Trong trường hợp bất kỳ truy vấn nào không có lượng tìm kiếm, bạn có thể hiểu chúng có thể là một trong số những biến thể câu hỏi chưa được công cụ từ khóa thu thập. Trên thực tế, có nhiều câu hỏi dù thu hút rất nhiều sự quan tâm từ người dùng trên các nền tảng khác nhau, nhưng chúng lại được coi là “zero volume”. Ngoài ra, còn có trường hợp tồn tại những câu hỏi tương tự, lặp lại nhau. Lúc đó, bạn có thể đến với bước tiếp theo để tham khảo cách nhóm chúng lại một cách nhanh chóng nhất.
Bước 9: Phân cụm từ khóa
Việc nhóm các từ khóa liên quan hoặc phân cụm từ khóa (clustering) giúp bạn dễ quản lý các ý tưởng, chủ đề của mình hơn. Đồng thời, điều này còn giúp bạn nắm được cần phải tạo câu nào và xác định các câu hỏi lặp đi lặp lại trong những từ khóa “zero volume” khó nhận biết trên.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ phân cụm từ khóa mà bạn có thể tham khảo. Nhưng cần đảm bảo rằng, công cụ bạn sử dụng sẽ nhóm các từ khóa dựa trên cách công cụ tìm kiếm hiểu chúng, chứ không phải dựa trên mô hình ngôn ngữ tự nhiên.
Gần như mọi công cụ nhóm từ khóa đều yêu cầu người dùng tải lên một file CSV duy nhất – tức là bạn phải kết hợp tất cả các report của mình. Nếu còn tồn tại các cột khớp nhau, bạn có thể sử dụng công cụ hợp nhất CSV trực tuyến như merge-csv.com. Ngoài ra, đừng quên loại bỏ cả những từ khóa trùng lặp trong file trước khi tải lên công cụ nhóm từ khóa.
Riêng công cụ Keyword Insights sẽ cho phép người dùng tải lên nhiều file CSV (không giới hạn số lượng) – bất kể các cột có khớp nhau hay không. Đồng thời, công cụ này còn hướng dẫn người dùng cách xác định các cột và tự động loại bỏ từ khóa trùng lặp trong các file.
Sau khi xem báo cáo phân cụm, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong volume. Chẳng hạn như với hình ảnh minh họa trên, hãy quan sát volume liên quan đến biến thể của câu hỏi “Can you recycle razor blades?“.
Thông thường, các phương pháp nghiên cứu từ khóa truyền thống sẽ bỏ qua cụm từ này vì các công cụ SEO đã báo cáo rằng nó chỉ có 60 lượt tìm kiếm trong mỗi tháng. Tuy nhiên, tổng của các câu hỏi tương tự trên thực tế lại có thể cao hơn rất nhiều so với số liệu trên. Ngoài ra, các truy vấn “zero volume” này còn được lựa chọn dựa trên mức độ tương tác (lượt thích, lượt chia sẻ, nhận xét,…). Vậy nên, chúng đều là những chủ đề hấp dẫn mà bạn có thể khai thác.
Tóm tắt nội dung chính
Điều quan trọng mà doanh nghiệp cần làm là kết hợp nghiên cứu tangential keyword vào chiến lược của mình để mở rộng chủ đề và tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Đồng thời, điều này còn giúp doanh nghiệp thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và khám phá những cơ hội mới. Đặc biệt, Tangential SEO còn là phương pháp SEO hữu hiệu để doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và trở thành thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
Để khám phá ý tưởng cho tangential content, bạn cần thực hiện các bước chính như:
- Hiểu khách hàng mục tiêu: Đặt bản thân vào vị trí của khách hàng mục tiêu để xác định những nội dung, câu hỏi liên quan đến doanh nghiệp của bạn.
- Khám phá nội dung hiện có: Tìm hiểu xem đã có nội dung nào giải quyết được các câu hỏi trên hay chưa bằng cách sử dụng các công cụ SEO.
- Làm phong phú ý tưởng tangential content: Khám phá các từ khóa mà ít hoặc chưa có đối thủ phát hiện ra bằng cách tham khảo những câu hỏi được quan tâm trên các diễn đàn, trang web UGC…
- Nhóm từ khóa: Để nhận biết các mẫu và thêm “volume” vào các từ khóa “zero volume”, bạn cần tiến hành nhóm các từ khóa tương tự lại với nhau.
- Phân tích các cụm từ khóa để tìm xu hướng: Phân loại thông tin thành các danh mục chính: trước khi mua, sau khi mua, phong cách sống, lời khuyên, ý tưởng sản phẩm mới,… để xác định ý tưởng mới và tận dụng chúng một cách hiệu quả.
Lời kết
Bên trên là cách xây dựng nội dung dựa trên phương pháp Tangential SEO. Có thể nói rằng, đây sẽ là một phương pháp SEO hiệu quả giúp bạn chiếm được lợi thế tuyệt vời trước các đối thủ của mình. Vậy nên, đừng quên chia sẻ bài viết đến những người cộng sự để cùng triển khai chiến lược này trong tương lai, bạn nhé!