policy-banner

Quy Định Sử Dụng Tên Miền .vn

policy

1. Nguyên tắc đăng ký tên miền .vn

Nguyên tắc đăng ký tên miền “.vn” (tham khảo tại Điều 6 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT), bao gồm các nội dung sau:

  • Tên miền trong trạng thái chưa được đăng ký sử dụng;
  • Đăng ký tên miền “.vn” tại các Nhà đăng ký tên miền “.vn” được công bố tại địa chỉ http://nhadangky.vn theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước, ngoại trừ:
    • Các tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ là các tên miền “.vn” liên quan tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, bao gồm:
      • Tên miền là tên các địa bàn quan trọng thuộc khu vực biên giới, tên các đảo, quần đảo, tên biển, vùng biển Việt Nam;
      • Tên miền là tên các địa danh của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới;
      • Tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam…;
      • Các tên miền liên quan đến hoạt động bảo đảm an ninh, quốc phòng, ngoại giao của đất nước;
      • Các tên miền khác cần được bảo vệ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông);
    • Các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • Tên miền đăng ký phải đảm bảo đúng quy định về cấu trúc tên miền phân theo từng lĩnh vực hoạt động, cụ thể:
    • Tên miền không dấu cấp 2 dùng riêng không phân theo lĩnh vực;
    • Tên miền không dấu cấp 2 dùng chung phân theo lĩnh vực, bao gồm:
      • COM.VN dành cho tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại;
      • BIZ.VN dành cho tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại (tương đương với tên miền COM.VN);
      • EDU.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
      • GOV.VN dành cho các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương;
      • NET.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp các dịch vụ trên mạng;
      • ORG.VN dành cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội;
      • INT.VN dành cho các tổ chức quốc tế;
      • AC.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu;
      • PRO.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực có tính chuyên ngành cao;
      • INFO.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, cung cấp thông tin;
      • HEALTH.VN dành cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực dược, y tế;
      • NAME.VN dành cho các tổ chức, cá nhân đăng ký theo tên gọi như tên đầy đủ, tên viết tắt, tên thương mại, tên bí danh… của tổ chức, cá nhân.
  • Tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
    • Không có các cụm từ xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia hoặc vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
    • Rõ ràng, nghiêm túc, không gây hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt;
    • Có ít nhất một hoặc một dãy ký tự dưới tên miền cấp cao “.vn”;
    • Được chứa các ký tự từ a đến z; 0 đến 9; các ký tự tiếng Việt trong bảng chữ cái tiếng Việt và tất cả các ký tự được hệ thống máy chủ tên miền trên mạng chấp nhận. Các ký tự này không phân biệt viết hoa hay viết thường;
    • Được chứa dấu gạch nối “-” nhưng không được bắt đầu hoặc kết thúc với ký tự này và không được có hai dấu gạch nối “-” đi liền nhau trong tên miền;
    • Ở mỗi cấp không được nhiều hơn 63 ký tự (đối với tên miền tiếng Việt, số lượng ký tự được tính theo chiều dài sau chuyển đổi thành chuỗi không dấu ASCII);
  • Chủ thể có địa chỉ tại Việt Nam chỉ được nộp hồ sơ đăng ký tên miền tại NĐK tên miền “.vn” trong nước. Chủ thể có địa chỉ tại nước ngoài được đăng ký nộp hồ sơ đăng ký tên miền tại NĐK tên miền “.vn” trong nước và NĐK tên miền “.vn” nước ngoài.

2. Trách nhiệm của chủ thể đăng ký tên miền

  • Khai báo thông tin tên miền
    • Chủ thể phải nộp “Bản khai đăng ký tên miền” (hoặc theo mẫu của NĐK) theo quy định của VNNIC cho Nhà đăng ký. Trong bản khai, chủ thể phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin tên miền theo quy định.
    • Bổ sung hồ sơ đăng ký trong vòng 03 ngày (qua hình thức trực tuyến/ trực tiếp tại NĐK/ chuyển phát). Trường hợp quá thời hạn quy định mà không nhận được hồ sơ đăng ký mới tên miền của chủ thể, NĐK thực hiện tạm khóa tên miền mà không hoàn lại phí. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc tên miền bị tạm ngưng hoặc thu hồi do không đủ hồ sơ đăng ký, duy trì theo luật định.
  • Thay đổi thông tin tên miền
    Khi thay đổi tên gọi của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các thông tin dùng để liên hệ như địa chỉ liên hệ, điện thoại, hộp thư điện tử, giấy tờ tùy thân thì cá nhân, cơ quan, tổ chức, phải thông báo ngay cho Nhà đăng ký biết để cập nhật lên lên hệ thống và CSDL của tên miền, đảm bảo thông tin chính xác.
    Nhà đăng ký không thể và sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường đối với bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào phát sinh do chủ thể tên miền không tuân thủ quy định này.
    • Nguyên tắc đổi tên chủ thể tên miền (tham khảo tại Điểm 6 Điều 10 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT) và được sửa đổi bổ sung tại điểm b khoản 4 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT, các trường hợp cho phép đổi tên chủ thể:
      • Tổ chức đổi tên theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
      • Sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà dẫn tới sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền;
      • Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà dẫn tới sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền;
      • Cá nhân thay đổi họ, tên theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    • Các trường hợp không được đổi tên chủ thể
      • Tên miền đang trong quá trình xử lý tranh chấp
      • Tên miền hết hạn sử dụng.
      • Tên miền đang xử lý vi phạm
      • Tên miền đang trong trạng thái chờ chuyển đổi Nhà đăng ký;
      • Tên miền đang trong trạng thái chờ xử lý thu hồi.
  • Quản lý và sử dụng tên miền đúng pháp luật
    • Chủ thể đăng ký sử dụng tên miền phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên Internet.
    • Cơ quan, tổ chức chỉ được cấp tên miền dưới tên miền đăng ký cho các đơn vị thành viên, các cá nhân đang làm việc trong cơ quan, tổ chức của mình và phải có trách nhiệm quản lý các tên miền cấp dưới mà mình đã cấp. Không được cấp tên miền dưới tên miền của mình cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
    • Báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
    • Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội thuộc đối tượng cấp phép phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
  • Nộp phí đăng ký mới và duy trì tên miền
    • Đăng ký mới tên miền phải được nộp đầy đủ lệ phí đăng ký (thu 01 lần duy nhất) và phí duy trì (thu theo năm, khuyến khích nộp cho nhiều năm) ngay khi thực hiện đăng ký để Nhà đăng ký khởi tạo tên miền.
    • Chủ thể tên miền phải chủ động theo dõi thông tin về tình trạng hoạt động, thời hạn hiệu lực của các tên miền đã đăng ký, nộp phí duy trì trước 10 ngày kể từ ngày tên miền hết thời hạn. Phí duy trì tên miền có thể nộp một lần cho nhiều năm hoặc nộp từng năm.
    • Khi nộp phí duy trì tên miền, chủ thể đăng ký cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tên của chủ thể đăng ký tên miền, những tên miền cần nộp phí, số năm duy trì cho mỗi tên miền. Chủ thể đăng ký tên miền tuân thủ đúng các quy định hướng dẫn thanh toán của chúng tôi nêu tại Chính sách thanh toán.

3. Tranh chấp tên miền

Tất cả các vấn đề tranh chấp liên quan đến tên miền .VN, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC.

Căn cứ Điều 76 – Luật Công nghệ Thông tin số; Điều 16 – Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đã quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” như sau:

  • Thông qua thương lượng, hòa giải
    • Các bên có thể thực hiện việc hòa giải trước hoặc trong quá trình tố tụng. Thủ tục hòa giải trước hoặc trong quá trình tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
    • Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp, các bên phải lập Biên bản hòa giải thành theo quy định của pháp luật và Biên bản này phải được gửi đến Nhà đăng ký tên miền “.vn” liên quan hoặc VNNIC để làm cơ sở xử lý tên miền tranh chấp.
  • Thông qua Trọng tài
    Các bên có thể lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp tên miền phát sinh trong hoạt động thương mại. Thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền phát sinh trong hoạt động thương mại tại các Trung tâm trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Khởi kiện tại Tòa án
    Các bên có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự và hoạt động thương mại. Thủ tục giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự hay hoạt động thương mại tại tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Vòng đời tên miền .vn

vong doi ten mien
Hình ảnh minh họa vòng đời tên miền .vn (Nguồn: VNNIC)

Chú thích:

  • Trạng thái tên miền tự do: Là trạng thái mà các cơ quan, tổ chức hay các cá nhân có nhu cầu có thể đăng ký sử dụng tên miền.
  • Trạng thái tên miền đã đăng ký: Tên miền đã được đăng ký.
  • Gia hạn/Duy trì tên miền: Tên miền phải được duy trì tối thiểu 1 năm sau khi đăng ký. Khi tên miền hết hạn, chủ thể đăng ký tên miền có 35 ngày để tiếp tục nộp phí gia hạn tên miền.
  • Trạng thái tên miền hết hạn: Trong vòng 5 ngày sau khi hết hạn, tên miền vẫn hoạt động bình thường.
  • Trạng thái tạm ngừng hoạt động: Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 35 sau khi hết hạn, tên miền trong trạng thái tạm ngừng hoạt động.
  • Trạng thái xử lý thu hồi: Sau 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày tạm ngừng hoạt động tên miền, nếu chủ thể đăng ký tên miền không nộp phí duy trì tên miền thì tên miền sẽ chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi.
    • Trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày tên miền chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi, VNNIC phối hợp với Nhà đăng ký quản lý tên miền thực hiện các thủ tục hành chính xác nhận xử lý thu hồi tên miền. 
    • Sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày tên miền chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi và có xác nhận về việc không nộp phí duy trì tên miền từ Nhà đăng ký quản lý tên miền, tên miền sẽ được xử lý thu hồi.
    • Sau khi xem xét nếu thấy tên miền bị thu hồi không thuộc các trường hợp vi phạm quy định đăng ký tên miền “.vn” tại Điều 6, Thông tư 24/2015/TT-BTTTT, tên miền được đưa về trạng thái tự do để cho cơ quan, tổ chức hay cá nhân có nhu cầu đăng ký sử dụng.
    • Lưu ý: Chủ thể không thể gia hạn tên miền khi tên miền ở trong trạng thái xử lý thu hồi. 
  • Thu hồi tên miền: Việc xử lý đưa tên miền về trạng thái tự do được thực hiện theo nguyên tắc ngẫu nhiên, tự động trong khoảng thời gian không quá 10 (mười) ngày kể từ ngày được xử lý thu hồi (trong khoảng từ ngày 11 đến ngày 20 kể từ ngày chuyển sang trạng thái xử lý thu hồi).

Các văn bản cần tham khảo

  • Luật Công nghệ Thông tin – Số 67/2006/ QH11;
  • Thông tư 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-BTTTT: Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet;
  • Thông tư số 05/2011/TT-BTTTT Quy định về giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
  • Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;
  • Luật Báo chí – Số 103/2016/QH1.

Nội dung được cập nhật lần cuối vào lúc 10:00 AM – Ngày 22 tháng 6 năm 2021