Với giao diện thân thiện và vô số tính năng hữu ích, WordPress là giải pháp giúp tạo website chuyên nghiệp dành cho những người bị hạn chế về kiến thức lập trình. Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng WordPress chi tiết nhất cho người mới bắt đầu.
Lý do WordPress là nền tảng phổ biến
WordPress được yêu thích và sử dụng rộng rãi trên toàn cầu nhờ vào những ưu điểm vượt trội sau:
- Mã nguồn mở và miễn phí: Bất kỳ ai cũng có thể tùy chỉnh và sử dụng WordPress mà không phải trả phí bản quyền.
- Dễ sử dụng: Giao diện WordPress trực quan, dễ dàng làm quen ngay cả với người mới bắt đầu.
- Linh hoạt và tùy chỉnh: Hàng ngàn theme và plugin miễn phí giúp bạn tạo ra mọi loại website, từ blog cá nhân, cửa hàng trực tuyến, trang giới thiệu,…
- Khả năng tương thích cao: Hỗ trợ hầu hết các nền tảng hosting sử dụng PHP và MySQL.
- Cộng đồng người dùng lớn mạnh: Cộng đồng người dùng WordPress đông đảo và tích cực hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn, hội nhóm.
- Cập nhật thường xuyên: Các phiên bản WordPress mới liên tục được phát hành để nâng cao bảo mật, thêm tính năng mới và tối ưu hiệu suất.
Cách cài đặt CMS đơn giản nhất
WordPress không đòi hỏi cấu hình máy chủ quá cao, chỉ cần:
- PHP: Phiên bản 5.2.4 trở lên.
- Cơ sở dữ liệu: MySQL 5.0.15 trở lên hoặc MariaDB.
Nếu bạn đã có những kiến thức cơ bản và muốn tự mình cài đặt về WordPress trên server thì hãy thực hiện theo các bước dưới đây. Chuẩn bị trước lúc cài đặt:
- Một trình quản lý FTP: Các phần mềm như FileZilla, Cyberduck, WinSCP giúp bạn dễ dàng chuyển file từ máy tính lên hosting.
- Bản mã nguồn WordPress mới nhất: Tải về trực tiếp từ WordPress.org.
Quá trình thực hiện như sau:
Bước 1 – Upload file lên hosting: Sử dụng phần mềm FTP để tải toàn bộ file WordPress lên máy chủ hosting của bạn. Thư mục lưu trữ file này thường là /public_html nếu bạn muốn cài đặt WordPress trên domain chính.
Bước 2 – Tạo database: Truy cập vào Control Panel của hosting để tạo một cơ sở dữ liệu MySQL mới, ghi nhớ tên database, username và password để tiện cho việc sử dụng sau này.
Bước 3 – Tiến hành cài đặt: Mở trình duyệt và truy cập vào địa chỉ domain của bạn. Thực hiện theo hướng dẫn của hệ thống để hoàn tất quá trình cài đặt. Bạn sẽ cần nhập các thông tin về cơ sở dữ liệu đã tạo ở bước 3 và thiết lập thông tin cần thiết cho website.
Cách sử dụng WordPress chi tiết
Dưới đây là các khu vực, tính năng và công cụ chính trên WordPress mà bạn cần biết khi sử dụng nền tảng này để làm việc:
Dashboard – Bảng điều khiển
Sau khi hoàn tất quá trình cài đặt, bạn sẽ cần đăng nhập vào giao diện quản lý chính của WordPress, thường được gọi là Dashboard. Bạn có thể truy cập qua địa chỉ: http://www.yourdomain.com/wp-admin.
URL này sẽ chuyển hướng bạn đến trang đăng nhập. Tại đây, bạn nhập thông tin tài khoản đã tạo khi cài đặt WordPress. Nếu quên mật khẩu, hãy sử dụng tính năng “Lost your password?” ngay bên dưới để khôi phục.
Khi đăng nhập thành công, bạn sẽ được đưa đến Dashboard – khu vực quản trị chính của WordPress. Giao diện này được chia thành 3 khu vực chính:
- Thanh công cụ trên cùng: Cung cấp các liên kết nhanh đến các công cụ thường dùng và một số thông tin về website của bạn như xem trang chủ, thông báo cập nhật, số lượng bình luận mới,…
- Menu bên trái: Là danh sách các mục quản lý chính của WordPress. Khi bạn di chuột vào một mục, các tùy chọn con sẽ hiện ra.
- Khu vực làm việc chính: Hiển thị các thông tin tổng quan, các bài đăng mới, nhận xét và các tính năng hữu ích khác.
Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy các module sau:
- At a Glance: Hiển thị tổng quan nhanh về website của bạn, bao gồm số lượng bài viết, nhận xét, số trang và phiên bản WordPress/theme đang sử dụng.
- Activity: Cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động gần đây trên website, chẳng hạn như bài viết và nhận xét mới nhất.
- Quick Draft: Cho phép bạn nhanh chóng ghi chú ý tưởng cho một bài đăng blog mới nhưng không thể xuất bản bài đăng từ đây.
- WordPress News: Cập nhật những tin tức mới nhất về nền tảng WordPress.
Posts – Bài viết
Để tạo bài viết mới trên WordPress, bạn có thể truy cập vào mục Posts > Add New trong menu bên trái hoặc đơn giản là nhấn vào nút New > Post trên thanh công cụ. Giao diện bài viết mới sẽ xuất hiện tương tự như hình dưới:
Bạn cần chú ý tới các trường nội dung sau:
- Dấu cộng (+) thêm khối (block): Cho phép bạn chèn các khối nội dung khác nhau như đoạn văn, hình ảnh, tiêu đề, gallery…
- Add title: Đặt tiêu đề cho bài viết.
- Document: Tại đây, bạn có thể thiết lập category, tag, hình ảnh đại diện cho bài viết.
- Block: Khi bạn chọn một khối, phần này sẽ hiển thị các tùy chọn chỉnh sửa như văn bản, màu sắc, kích thước,… cho khối đó.
- Publish: Nhấn nút này để xuất bản bài viết công khai lên website.
Bên cạnh đó, các tùy chọn con khác trong menu bên trái của mục Post mà bạn cần chú ý là:
All post: Hiển thị tất cả các bài đăng đã được tạo trước đó.
Categories: Danh mục bài viết, phân loại và giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm những bài viết cùng chủ đề.
Trong phần này, bạn cần chú ý tới các trường thông tin sau:
- Name: Tên danh mục.
- Slug: URL của danh mục, hệ thống sẽ tự động tạo đường dẫn dựa trên tên danh mục nên bạn không cần phải nhập thủ công.
- Parent category: Nếu bạn muốn một danh mục sắp tạo nằm trong danh mục khác, hãy chọn danh mục mẹ ở đây. Nếu để None thì danh mục sẽ đứng độc lập.
- Description: Mô tả ngắn về danh mục, rất quan trọng cho SEO.
- Add new category: Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn nhấn Add new category để tạo danh mục mới Danh mục mới sẽ xuất hiện ở khu vực bên phải, cho phép bạn thao tác chỉnh sửa hoặc xóa.
Tags: Thẻ được dùng để phân loại bài viết một cách chi tiết hơn. Bạn có thể gắn nhiều thẻ cho một bài viết. Giao diện mục Tags cũng tương tự như Categories ở trên.
Media – Quản lý thư viện hình ảnh, video,…
Trong dashboard WordPress, bạn chọn Media > Library. Tất cả hình ảnh, video và file bạn đã tải lên để sử dụng trong bài viết đều được tập trung và quản lý tại đây. Các thao tác bạn có thể thực hiện với Media:
- Xem toàn bộ file dưới dạng lưới hoặc danh sách thông thường.
- Sắp xếp file theo ngày tháng.
- Thêm file mới bằng cách nhấp vào Add New.
Quản lý trang
Mục Pages là nơi để quản lý tất cả các trang có trên website. Để tạo trang mới, từ dashboard bạn chọn mục Pages > Add New hoặc đơn giản hơn, nhấn vào nút New > Page trên thanh công cụ.
Cấu trúc một page tương tự như một post nhưng không có 2 phần là categories và tags để phân loại trang. Thay vào đó, page sử dụng Parent Page (trang cha-con) và order (thứ tự) để sắp xếp vị trí.
Bên cạnh tùy chọn con Add New Page thì bạn cũng sẽ thấy trong menu bên trái của mục Pages còn có tùy chọn All Page. Đây là nơi để bạn quản lý vào thao tác xem, chỉnh sửa, xóa,… tất cả các trang đã tạo trên website.
Quản lý bình luận
Tại khu vực comment, bạn có quyền xem, chỉnh sửa, chấp nhận, ẩn, xóa bỏ ý kiến mà người dùng để lại.
Appearance – Quản lý giao diện
Khi truy cập vào mục Appearance, bạn sẽ thấy tùy chọn con Themes, nơi để thiết lập giao diện cho website. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, bạn chọn một trong 2 cách sau: Cài đặt theme từ thư viện WordPress.Org và cài đặt theme từ file trên máy tính.
Plugins – Quản lý tiện ích
Plugins là những công cụ đắc lực giúp bạn tùy biến và mở rộng chức năng cho website WordPress. Đặc biệt là các thao tác thêm plugin rất đơn giản, không yêu cầu kỹ năng lập trình. Từ việc chia sẻ nội dung lên các mạng xã hội, tăng cường bảo mật cho website, tối ưu SEO hay xây dựng web đa ngôn ngữ,…., bạn đều có thể tìm thấy plugin miễn phí/trả phí phù hợp. Tương tự như với Theme, bạn có thể cài đặt plugin từ thư viện WordPress.Org (miễn phí) hoặc upload file plugin của các bên thứ 3 từ máy tính lên website.
Gợi ý một số plugin hữu ích cho website WordPress:
- Rank Math SEO: Công cụ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm toàn diện, giúp website của bạn dễ dàng được tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm.
- Google XML Sitemaps: Tạo bản đồ trang web dạng XML, giúp các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về cấu trúc website và nội dung của bạn.
- Contact Form 7: Công cụ tạo mẫu liên hệ đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn dễ dàng thu thập thông tin từ người dùng.
Quản lý tài khoản
Để thêm một tài khoản người dùng mới, từ thanh menu bên trái bạn chọn Users > Add New. Sau đó tiến hành điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu hệ thống (phần username và email là bắt buộc).
Mục Role cho phép bạn cấp cho người dùng các quyền truy cập khác nhau:
- Administrator: Có quyền truy cập và sử dụng toàn bộ tính năng trên website.
- Editor: Có quyền đăng bài, sửa bài và quản lý bài viết của người khác.
- Author: Có quyền đăng bài và quản lý bài viết của mình.
- Contributor: Có quyền viết bài (nhưng chỉ được gửi xét duyệt chứ không được đăng) và quản lý bài viết của mình.
- Subscriber: Chỉ có quyền quản lý thông tin cá nhân.
Tùy chọn con Your Profile cho phép bạn tự thay đổi email, password tài khoản quản trị WordPress của mình.
Nếu muốn xóa một tài khoản người dùng, bạn truy cập vào tùy chọn con All Users, nơi chứa danh sách tất cả user trên website.
Sau đó chọn người dùng muốn xóa và bấm Delete. Khi hệ thống yêu cầu xác nhận thao tác, bạn chọn Confirm Deletion để đồng ý xóa.
Tools – Công cụ
Trong mục Tools, bạn cần chú ý tới những tùy chọn con sau:
- Available Tools: Các công cụ được tích hợp sẵn trên nền tảng WordPress. Nổi bật trong đó là ứng dụng Press This giúp bạn dễ dàng cắt và dán nội dung từ bất kỳ trang web nào vào WordPress để chỉnh sửa và đăng ngay.
- Import: Cho phép tự động nhập nội dung (bài viết, bình luận,…) từ các nền tảng khác về WordPress. Trong đó bạn cần nắm rõ các công cụ:
- Blogger: Di chuyển bài viết, bình luận, hình ảnh từ Blogspot sang WordPress một cách dễ dàng.
- LiveJournal, RSS, Movable Type and TypePad, Tumblr: Hỗ trợ nhập bài viết, bình luận, file đa phương tiện từ các nền tảng này sang WordPress.
- Categories and Tags Converter: Linh hoạt chuyển đổi giữa danh mục và thẻ.
- WordPress: Chuyển toàn bộ nội dung từ một trang WordPress sang trang khác.
- Export: Cho phép lưu trữ bài viết, trang, bình luận, chuyên mục, thẻ… dưới dạng file XML (WXR/WordPress extended RSS) để sao lưu hoặc di chuyển. Bạn có thể chọn xuất dữ liệu theo các cấp độ sau:
- All Contents: Xuất mọi dữ liệu, bao gồm Posts, Pages, Menus, Custom field và Custom post type.
- Posts: Xuất mọi nội dung Posts.
- Pages: Xuất mọi nội dung Pages.
- Media: Xuất mọi nội dung Media.
Sau khi chọn loại nội dung muốn Export, bạn nhấn Download Export File để nhận được file XML. Kích thước file phụ thuộc vào lượng dữ liệu bạn xuất.
Settings – Cài đặt
Trong phần Settings, bạn cần chú ý tới những tùy chọn là: General, Writing, Reading, Discussion, Media, Permalink Settings. Trong đó:
- General: Đây là nơi bạn tùy chỉnh những thiết lập cơ bản cho website của mình. Trong đó, bạn cần nắm rõ những thiết lập sau:
- Site Title: Tên website sẽ hiển thị ở đầu trang.
- Tagline: Câu mô tả ngắn gọn về slogan website.
- WordPress Address (URL): Địa chỉ chính thức của website, ảnh hưởng đến đường dẫn của các post và page.
- Site Address (URL): Địa chỉ của trang chủ, thường trùng với WordPress Address.
- E-mail Address: Địa chỉ email nhận thông báo về website, thường là email của quản trị viên.
- Membership: Tích vào ô Anyone can register để cho phép người dùng tự đăng ký tài khoản trên website.
- New User Default Role: Quyền hạn của người dùng mới đăng ký.
- Timezone: Chọn múi giờ muốn sử dụng cho website (Việt Nam: GMT+7).
- Date Format: Cách hiển thị ngày tháng.
- Week Start On: Chọn ngày bắt đầu của tuần.
- Site Language: Ngôn ngữ hiển thị trên website.
- Writing: Các thiết lập ở đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách bạn tạo và xuất bản nội dung trên website:
- Default Post Category: Nếu quên chọn danh mục khi đăng bài, post sẽ tự động được xếp vào danh mục này.
- Default Post Format: Tương tự, nếu không chọn định dạng, post sẽ có định dạng này.
- Post via email: Tính năng cho phép bạn đăng post qua email.
- Update Service: Khi bạn đăng bài mới, WordPress sẽ tự động thông báo đến các dịch vụ này.
- Reading: Các cài đặt này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách nội dung của bạn được trình bày trên website:
- Your homepage displays: Hiển thị post mới nhất hoặc một trang tĩnh trên trang chủ.
- Blog pages show at most: Số lượng post mới nhất được hiển thị tại blog website.
- Syndication feeds show the most recent: Số lượng post mới nhất được hiển thị tại RSS Feed website.
- For each article in a feed, show: Tùy chọn Full text hiển thị toàn bộ nội dung trên RSS Feed, tùy chọn Summary hiển thị nội dung rút gọn trên RSS Feed.
- Search Engine Visibility: Nếu bạn không muốn các công cụ tìm kiếm như Google lập chỉ mục trang web của mình, hãy tích vào tùy chọn này. Website của bạn sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
- Discussion: Tùy chỉnh cách thức hoạt động của tính năng bình luận trên website WordPress của bạn:
- Default article settings: Thiết lập bật/tắt tính năng bình luận mặc định cho tất cả các bài viết trên web, bạn cũng có thể thay đổi thiết lập cho từng post/page.
- Other comment settings: Cấu hình chi tiết hơn cho quá trình gửi bình luận.
- E-mail me whenever: Email nhận thông báo khi có bình luận mới.
- Before a comment appears: Áp dụng các quy tắc kiểm duyệt trước khi bình luận xuất hiện công khai.
- Comment moderation: Tự động đưa bình luận chứa các từ khóa, liên kết hoặc địa chỉ IP cụ thể vào danh sách chờ duyệt. Bạn có thể thêm các từ hoặc cụm từ vào danh sách này để lọc bình luận không mong muốn.
- Comment Blacklist: Các từ hoặc cụm từ bị cấm xuất hiện trong bình luận. Bình luận chứa từ trong Blacklist sẽ bị đánh dấu là spam.
- Avatars: Cho phép hiển thị ảnh đại diện của người dùng khi bình luận.
- Media: Các tùy chọn tại đây sẽ tác động đến quá trình upload các file phương tiện (hình ảnh, video, âm thanh…) vào nội dung bài viết:
- Image sizes: Cài đặt này sẽ xác định kích thước mặc định của hình ảnh sau khi được tải lên thư viện của WordPress.
- Uploading Files: Các tùy chọn liên quan đến việc upload file lên.
- Organize my uploads into month- and year-based folder: Tự động sắp xếp các file đã upload vào các thư mục tương ứng theo ngày tháng upload.
- Permalink Settings: Phần này cho phép bạn điều chỉnh cách thức hiển thị đường dẫn của các Posts, Pages, Categories, Tags,… trên website sử dụng tên cụ thể thay cho con số. Có 2 phần thiết lập mà bạn cần chú ý trong giao diện này là:
- Common Settings (thiết lập thông dụng):
- Default: Sử dụng cấu trúc đường dẫn động làm mặc định.
- Day and name: Đường dẫn chứa đầy đủ ngày tháng đăng post và tên post.
- Month and name: Đường dẫn chứa tháng, năm và tên post.
- Numeric: Đường dẫn chứa ID của post thay vì tên.
- Post name: Đường dẫn chỉ bảo gồm tên post.
- Custom Structure: Tạo cấu trúc đường dẫn theo ý muốn.
- Optional (thiết lập tùy chọn): Bạn có thể tự do thiết lập cấu trúc riêng cho đường dẫn của category và tag tại đây. Nếu để trống, hệ thống sẽ sử dụng cấu trúc đường dẫn mặc định.
- Category base: Ví dụ chọn topics làm category base thì đường dẫn tới các danh mục của bạn sẽ có dạng http://domain/topics/chuyenmuc.
- Tag base: Ví dụ chọn topics làm tag base thì đường dẫn tới các thẻ của bạn sẽ có dạng http://domain/topics/the.
Tối ưu hóa hiệu suất
Khi website của bạn phát triển, số lượng bài viết, hình ảnh, các file đa phương tiện cũng tăng theo và khiến thời gian tải trang sẽ lâu hơn. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần tối ưu hóa website để đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt nhất. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một số kỹ thuật tối ưu hóa hiệu suất cơ bản:
- Sử dụng plugin cache
Plugin cache hoạt động bằng cách lưu trữ tạm thời các dữ liệu tĩnh của website. Nhờ đó, khi người dùng truy cập lại trang, trình duyệt sẽ lấy dữ liệu từ bộ nhớ cache thay vì phải tải lại từ máy chủ, giúp giảm thời gian tải trang đáng kể.
Một số plugin cache phổ biến cho WordPress bao gồm:
- WP Super Cache
- W3 Total Cache
- WP Fastest Cache
- Tối ưu hình ảnh
Hình ảnh là một phần không thể thiếu trong thiết kế website, tuy nhiên nếu không được tối ưu hóa đúng cách, chúng có thể làm giảm tốc độ tải trang đáng kể. Có 2 vấn đề chính khiến hình ảnh tải chậm:
- Kích thước hình ảnh quá lớn: Việc tải lên hình ảnh có kích thước lớn hơn so với kích thước hiển thị trên website sẽ làm tăng thời gian tải trang.
- Hình ảnh chưa được nén: Những hình ảnh này sẽ có dung lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tải trang.
Để giải quyết các vấn đề trên, bạn có thể sử dụng plugin tối ưu hóa hình ảnh như WP Smush để tự động giảm kích thước và nén ảnh trong WordPress.
- Kích hoạt nén Gzip
Một trong những cách đơn giản và hiệu quả để tăng tốc và tối ưu hóa hiệu năng cho website WordPress là bật nén Gzip. Về cơ bản, Gzip hoạt động bằng cách tìm kiếm và nén các đoạn văn bản trùng lặp trong các file HTML, CSS, JavaScript, giúp giảm tới 50-70% kích thước file cần truyền tải.
Cách kích hoạt nén Gzip:
- Sửa trực tiếp file .htaccess: Đây là phương pháp cho những người có kiến thức về lập trình.
- Sử dụng plugin: Nhiều plugin như GZip Ninja Speed giúp bạn bật tính năng nén Gzip một cách dễ dàng.
- Deferring parsing of JavaScript (Trì hoãn phân tích cú pháp JavaScript)
Defer Parsing là một kỹ thuật giúp trì hoãn việc tải và phân tích JavaScript cho đến khi HTML hay các file hình ảnh đã được hiển thị hoàn toàn. Điều này nghĩa là trình duyệt có thể bắt đầu hiển thị nội dung website ngay lập tức, mang lại cảm giác tải trang nhanh hơn. Bạn có thể sử dụng các plugin như WP Deferred JavaScripts hoặc Speed Booster Pack để thực hiện điều này.
- Sử dụng CDN
CDN hoạt động như một mạng lưới các máy chủ phân tán trên khắp thế giới và lưu trữ nội dung tĩnh của website. Khi người dùng truy cập, dữ liệu sẽ được truyền tải từ máy chủ gần nhất, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi. CDN là một công cụ tuyệt vời để tối ưu hóa hiệu suất website, đặc biệt khi kết hợp với các plugin cache. Bạn có thể tham khảo một số nhà cung cấp CDN phổ biến như Cloudflare, Amazon CloudFront, Google Cloud CDN,…
- Loại bỏ query string
Các công cụ như GTMetrix khuyến nghị nên loại bỏ chuỗi truy vấn (query string) khỏi các file CSS và JavaScript để tăng hiệu quả bộ nhớ đệm. Plugin WordPress Speed Booster Pack có thể hỗ trợ bạn thực hiện việc này.
- Lazy loading
Thay vì tải toàn bộ nội dung trang ngay khi người dùng truy cập (eager loading), kỹ thuật lazy loading cho phép trì hoãn việc tải các đối tượng, đặc biệt là hình ảnh, cho đến khi chúng thực sự cần thiết. Khi đó, hình ảnh chỉ được tải khi người dùng cuộn đến vị trí của chúng trên màn hình nên sẽ giúp cải thiện tốc độ tải trang. Để triển khai tính năng này, bạn có thể sử dụng các plugin phổ biến như Lazy Load hoặc Rocket Lazy Load.
Bảo mật trang web WordPress
Là CMS phổ biến nhất thế giới, WordPress thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công từ hacker. Để bảo vệ website của bạn khỏi các cuộc tấn công và mã độc, hãy thực hiện các biện pháp bảo mật sau đây:
- Cập nhật WordPress mới nhất
Bản cập nhật mới thường chứa các bản vá lỗi quan trọng giúp ngăn chặn cuộc tấn công từ hacker. Thực tế cho thấy, các website sử dụng phiên bản WordPress cũ cũng thường là mục tiêu dễ bị nhằm vào.
Mặc dù WordPress có tính năng cập nhật tự động nhưng đôi khi tính năng này bị vô hiệu hóa trên một số máy chủ. Bạn có thể dễ dàng kiểm tra các bản cập nhật mới bằng cách xem thông báo trên dashboard và chủ động cập nhật ở mục Updates.
- Thay đổi tên và mật khẩu đăng nhập
Tên người dùng mặc định “admin” trong WordPress là một mục tiêu mà tin tặc rất dễ tấn công. Để tăng cường bảo mật, bạn nên thay đổi tên đăng nhập này. Ngay cả khi ai đó biết mật khẩu của bạn, nếu họ không biết tên đăng nhập chính xác thì sẽ không thể truy cập vào trang quản trị của bạn. Khi tạo mật khẩu, hãy kết hợp chữ cái in hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt để tăng độ phức tạp. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc quản lý nhiều mật khẩu, hãy sử dụng các công cụ quản lý mật khẩu như LastPass.
- Backup dữ liệu website
Backup dữ liệu website không chỉ giúp bạn bảo mật dữ liệu mà còn là giải pháp hiệu quả để phục hồi website nhanh chóng khi gặp sự cố. Bạn có thể thực hiện sao lưu bằng hai cách: thủ công hoặc tự động:
- Backup thủ công: Cách này yêu cầu bạn phải tự tải xuống các file và cơ sở dữ liệu MySQL của website. Tuy nhiên, với website có nhiều nội dung hoặc thường xuyên cập nhật thì phương pháp này khá tốn thời gian và dễ xảy ra sai sót.
- Backup tự động: Đa số các nhà cung cấp hosting hiện nay (chẳng hạn như Vietnix) đều hỗ trợ tính năng backup tự động. Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt các plugin như UpdraftPlus hoặc BackUpWordPress để tự động hóa quá trình này. Chúng cho phép bạn linh hoạt lựa chọn thời gian, loại dữ liệu, nơi lưu trữ bản backup,… theo nhu cầu.
Câu hỏi thường gặp
Những xu hướng thiết kế web mới nhất phù hợp với WordPress và thị hiếu người dùng Việt Nam là gì?
Dưới đây là những xu hướng làm website mới nhất phù hợp với WordPress và thị hiếu người dùng Việt Nam trong những năm gần đây:
– Tối ưu trải nghiệm người dùng, đặc biệt là trên thiết bị di động.
– Phong cách thiết kế web Minimalism và bố cục rõ ràng.
– Màu sắc và typography theo văn hóa Việt Nam.
– Tương tác động mượt mà.
– Tích hợp công nghệ AI, thực tế ảo.
– Tính cá nhân hóa theo hành vi của người dùng.
Làm thế nào để xây dựng một cộng đồng người dùng tích cực quanh website WordPress của mình tại Việt Nam?
Để xây dựng một cộng đồng người dùng tích cực trên website WordPress tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
– Tạo nội dung chất lượng, hấp dẫn, hữu ích và liên quan đến đối tượng mục tiêu, tương tác thường xuyên, tạo ra các cuộc thảo luận.
– Tổ chức các buổi webinar, workshop hoặc livestream kết nối cộng đồng.
– Xây dựng một nhóm kín trên Facebook hoặc các nền tảng khác.
– Khuyến khích người dùng chia sẻ bài viết.
– Tạo ra các chương trình ưu đãi, quà tặng cho thành viên tích cực.
Lời kết
Qua bài viết này, to đã chia sẻ tới bạn cách sử dụng WordPress cho người mới bắt đầu. Với những hướng dẫn chi tiết trên, bạn đã có đầy đủ kiến thức cơ bản để bắt đầu xây dựng website của riêng mình. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Vietnix để biết thêm nhiều thủ thuật WordPress hữu ích. Chúc bạn thành công!