Để đảm bảo ứng dụng của doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm, tải xuống và sử dụng rộng rãi trên các cửa hàng ứng dụng, việc thực hiện ASO là không thể thiếu. Vậy ASO là gì? Hãy cùng Vietnix khám phá khái niệm này và tìm hiểu cách tối ưu hóa ASO để cải thiện thứ hạng của ứng dụng trên cửa hàng trong bài viết dưới đây. Bạn sẽ khám phá những chiến lược hấp dẫn để thu hút người dùng và đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.
Tổng quan về ASO
ASO là gì?
ASO hay App Store Optimization là quá trình tối ưu khả năng xuất hiện của ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng lớn như App Store của iOS và Google Play Store của Android. Mục đích chính của ASO là tăng sự hiển thị, thu hút nhiều người dùng download và cài đặt tự nhiên cho ứng dụng.
3 Mục tiêu chính của ASO
- Tối ưu khả năng hiển thị: ASO giúp cho ứng dụng của bạn nổi bật hơn trên các cửa hàng ứng dụng, xuất hiện trong danh sách phổ biến và xếp hạng cao trên kết quả tìm kiếm khi người dùng dùng từ khóa (keyword) liên quan.
- Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi: Bằng cách sử dụng ASO, bạn có thể tạo mô tả ứng dụng lôi cuốn, thiết kế icon và hình ảnh chụp màn hình cùng với video giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp. Tất cả những điều này giúp thuyết phục người dùng tải và cài đặt ứng dụng của bạn. Từ đó giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate).
- Tối ưu hóa lợi nhuận: Mục tiêu lớn nhất của ASO là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bằng cách tối ưu cửa hàng ứng dụng, bạn có cơ hội thu hút nhiều người dùng hơn, tạo doanh số bán hàng và duy trì sự phát triển của ứng dụng trong thời gian dài.
Vai trò của ASO
1. Tăng hiện diện của ứng dụng
Để tăng cơ hội xuất hiện ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng, bạn cần sử dụng các kênh tiếp thị khác nhau như website, mạng xã hội, email hoặc quảng cáo trả phí để thu hút lượt truy cập và nâng cao sự nhận diện.
Thống kê cho thấy khoảng 70% người dùng di động tìm kiếm ứng dụng mới qua chức năng tìm kiếm, 65% lượt download xảy ra sau khi tìm kiếm. Do đó, tối ưu hóa ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng là cách hiệu quả để tăng khả năng được người dùng tìm thấy và tải về. Bạn cần biết rằng, thứ hạng trên cửa hàng ứng dụng không sắp xếp ngẫu nhiên mà cần có chiến lược ASO bài bản để đạt được.
2. Tăng lượng cài đặt tự nhiên
Để tăng số lượng người dùng tải và cài đặt ứng dụng một cách tự nhiên, không chỉ cần có thứ hạng cao trong cửa hàng ứng dụng, mà còn cần một chiến lược ASO đúng đắn. ASO tập trung vào viết mô tả và tiêu đề hấp dẫn, lôi cuốn, chia sẻ ảnh chụp màn hình ấn tượng để làm cho ứng dụng bạn nổi bật và thu hút sự chú ý của người dùng nhấp vào.
3. Tăng doanh thu và chuyển đổi
Hầu hết các ứng dụng được phát triển để tạo doanh thu hoặc thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi bằng nhiều cách. Đối với ứng dụng miễn phí, chúng thường sử dụng quảng cáo thân thiện với người dùng để tạo doanh thu, nhưng cần đảm bảo không làm phiền người dùng.
Có một loại quảng cáo gọi là reward ads – người dùng sẽ nhận phần thưởng trong ứng dụng sau khi xem một quảng cáo (ví dụ, thêm lượt chơi sau khi xem quảng cáo trong trò chơi trong 30 giây). Bên cạnh đó còn có quảng cáo tương tác, như các minigame để người dùng tham gia. Hoặc bạn có thể dùng quảng cáo để khuyến khích người dùng nâng cấp ứng dụng lên phiên bản cao hơn hoặc mở khóa tính năng mới.
Các bước tối ưu ASO cho ứng dụng
Để tối ưu ASO cho ứng dụng hiệu quả, thu hút nhiều lượt tải và cài đặt từ người dùng, bạn có thể tham khảo thực hiện theo các bước sau đây:
1. Tối ưu title và subtitle
Title của ứng dụng không chỉ là phần đầu tiên mà người dùng nhìn thấy trong kết quả tìm kiếm, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xếp hạng trên cả Apple App Store và Google Play Store. Đối với Apple App Store, phần subtitle giúp bổ sung thêm thông tin để người dùng hiểu rõ hơn về ứng dụng của bạn.
Từ khóa là một phần quan trọng, nhưng cần sử dụng chúng một cách tự nhiên để tạo nên một title dễ nhớ và hấp dẫn. Đồng thời, bạn cũng cần kiểm tra số lượng ký tự cho title vì Apple App Store giới hạn 30 ký tự, trong khi Google Play Store cho phép 50 ký tự. Trong ví dụ bên dưới, chúng ta có thể thấy ứng dụng “Map My Run by Under Armour”, vừa bao gồm cả tên app và sự liên kết với Under Armour – một thương hiệu uy tín đã hoạt động lâu năm.
2. Tối ưu description
Để tối ưu hóa phần description (mô tả) cho ứng dụng, bạn cần lưu ý rằng Google Play Store sử dụng cả phần mô tả ngắn và mô tả dài, trong khi App Store chỉ có mô tả ngắn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bạn nên bỏ qua mô tả trên App Store. Description trên Google Play Store là một phần quan trọng được sử dụng để phân tích và xếp hạng ứng dụng.
Điều này đồng nghĩa rằng bạn cần chú ý sử dụng các từ khóa mục tiêu một cách hợp lý trong nội dung description của ứng dụng. Ngoài ra, phần mô tả cũng giúp người dùng hiểu rõ về tính năng và thông tin quan trọng khi sử dụng ứng dung. Cả hai cửa hàng ứng dụng Apple và Google đều giới hạn description trong khoảng 4.000 ký tự. Điều này đủ để giới thiệu ứng dụng của bạn và thuyết phục người dùng tải về.
3. Tần suất xuất hiện từ khóa
Ở Apple App Store, bạn có thể nhập đến 100 từ khóa trong trường từ khóa. Tuy nhiên, trên Google Play Store, không có trường từ khóa riêng, ứng dụng này sẽ lập chỉ mục các từ khóa trong những nội dung khác. Do đó, bạn hãy chèn các từ khóa vào phần title và description của ứng dụng.
Bạn nên lựa chọn từ khóa cẩn thận, đồng thời tập trung vào những từ khóa quan trọng mà người dùng thường tìm kiếm. Để làm điều này, bạn cần thực hiện việc nghiên cứu từ khóa. Hãy tìm hiểu xu hướng tìm kiếm phổ biến và từ khóa có lượng tìm kiếm cao. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét từ khóa mà các đối thủ đang sử dụng để tham khảo.
4. Chọn đúng hình screenshot và video preview
Để thu hút và khuyến khích người dùng nhấp vào và tải ứng dụng của bạn, hãy lựa chọn những hình ảnh và video hấp dẫn. Trên Apple App Store, hình ảnh của bạn sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm và trang ứng dụng. Trên Google Play, chúng sẽ hiển thị khi người dùng nhấp vào từng ứng dụng cụ thể.
Hãy tận dụng cơ hội này để giới thiệu ứng dụng của bạn một cách trực quan. Bạn có thể sử dụng tối đa 10 hình ảnh trên Apple App Store và tối đa 8 hình ảnh trên Google Play Store. Đảm bảo rằng hình ảnh được tạo phù hợp với các loại thiết bị khác nhau. Ngoài ra, việc sử dụng video cũng là một cách mạnh mẽ để tạo ấn tượng và làm nổi bật ứng dụng của bạn giữa đối thủ cạnh tranh.
5. Kêu gọi review và rating
Đánh giá và xếp hạng từ người dùng đóng vai trò quan trọng trong thành công của ứng dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Để khuyến khích người dùng đánh giá và xếp hạng, yêu cầu họ từ trong ứng dụng sau các hành động tích cực. Sử dụng các kênh khác như mạng xã hội hoặc email marketing để khuyến khích và nhờ người dùng trung thành để lại đánh giá. Áp dụng gamification để thưởng cho người dùng và tạo động lực tham gia.
6. Khuyến khích, tối đa hóa lượt tải về
Tối ưu hóa lượt tải về là một yếu tố quan trọng trong chiến lược ASO, nhưng đừng quên rằng tỷ lệ cài đặt cũng đóng vai trò quan trọng. Số lượng tải về lớn giúp ứng dụng của bạn nổi bật và tăng khả năng xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng.
Tuy nhiên, để duy trì thành công, bạn cần tập trung không chỉ vào việc thu hút người dùng tải ứng dụng, mà còn cải thiện tỷ lệ cài đặt sau khi họ nhìn thấy. Tỷ lệ cài đặt trung bình thay đổi tùy theo lĩnh vực của ứng dụng, vì vậy nên nghiên cứu tỷ lệ cài đặt trong lĩnh vực của bạn và đặt mục tiêu cải thiện so với mức trung bình.
7. Phân tích, theo dõi, đánh giá và tối ưu
Sau khi đã tối ưu hóa ứng dụng, bạn hãy tập trung vào việc phân tích, đánh giá và cải thiện dựa trên những số liệu đã đạt được. Bạn cần xem xét cách để tăng tỷ lệ cài đặt (install rate), tỷ lệ nhấp (CTR) vào ứng dụng và số lượng tải về hiện tại.
Hãy thử nghiệm các từ khóa, title, subtitle và mô tả khác nhau. Tương tự như SEO, bạn cần liên tục điều chỉnh chiến lược dựa trên những kết quả bạn nhận được. Đảm bảo rằng bạn luôn cập nhật từ khóa, nội dung hình ảnh và video của bạn để theo kịp sự thay đổi của ứng dụng. Những điều này có thể giúp bạn đạt được thành công trong quá trình ASO.
Tối ưu hóa ứng dụng cho các nền tảng khác nhau
Mỗi nền tảng sẽ có những yếu tố xếp hạng đặc thù, do đó bạn cần nắm được những điểm khác biệt giữa giữa Apple Store và Google Play Store để thực hiện quá trình tối ưu đúng cách và hiệu quả.
Sự khác biệt giữa Apple Store và Google Play Store
Apple Store và Google Play Store đều là hai nền tảng quan trọng cho việc tìm kiếm và cài đặt ứng dụng từ perspecive của người dùng. Tuy nhiên, từ góc độ của các nhà phát triển ứng dụng, mỗi nền tảng có hệ thống và chiến lược ASO riêng. Điều này áp dụng cho các yếu tố như hệ thống đánh giá, từ khóa và thành phần trong thuật toán.
Chẳng hạn, việc duyệt đánh giá trên Apple Store thường mất thời gian hơn so với Google Play Store, và cả hai nền tảng có phương pháp khác nhau khi đánh giá từ khóa và xếp hạng ứng dụng. Mặc dù không có sự tiết lộ rõ ràng về thành phần trong thuật toán, nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng cho mỗi nền tảng.
Yếu tố xếp hạng trong Apple Store
Các yếu tố xếp hạng quan trọng cho ứng dụng iOS mà bạn có thể tác động đến bao gồm:
- App Name: Tên hiển thị của ứng dụng.
- App Subtitle: Dòng hiển thị bên dưới tên ứng dụng.
- App URL: Đường dẫn đến trang của ứng dụng trên App Store.
- Keyword: Sử dụng trong mô tả, tiêu đề và trường từ khóa để tối ưu hóa khả năng hiển thị trong kết quả tìm kiếm.
- Installs: Số lượt cài đặt của ứng dụng.
- Reviews & ratings: Các đánh giá và nhận xét từ người dùng.
- App updates: Các cập nhật, thay đổi cho ứng dụng.
- In-app purchases: Các lượt giao dịch, mua sắm bên trong ứng dụng.
Yếu tố xếp hạng trong Google Play Store
Các yếu tố xếp hạng quan trọng cho ứng dụng Android mà bạn có thể tác động đến bao gồm:
- App name: Tên hiển thị của ứng dụng.
- App short description: Phần mô tả ngắn gọn cho ứng dụng.
- App long description: Phần mô tả dài và chi tiết cho ứng dụng.
- Installs: Số lượt cài đặt của ứng dụng.
- Reviews & ratings: Các đánh giá và nhận xét từ người dùng.
- App updates: Các cập nhật, thay đổi cho ứng dụng.
- In-app purchases: Các lượt giao dịch, mua sắm bên trong ứng dụng.
Sự khác biệt giữa ASO và SEO
ASO và SEO đều là các chiến lược tối ưu hóa nhằm tăng khả năng hiển thị và tương tác trên các nền tảng trực tuyến khác nhau. Dưới đây là những điểm khác biệt giữa ASO và SEO:
1. Mục tiêu
- Mục tiêu của ASO: Tăng thứ hạng ứng dụng với những từ khóa có lượng tìm kiếm cao để tăng lượt tải về, cũng như xuất hiện trong các nội dung biên tập (editorial content), các mục như “Stories” hoặc ứng dụng khác tương tự.
- Mục tiêu của SEO: Tăng lượng organic traffic đến website thông qua công cụ tìm kiếm, cung cấp câu trả lời cho các vấn đề mà người dùng đang tìm kiếm hoặc giới thiệu sản phẩm và dịch vụ.
Tóm lại, ASO tập trung vào ứng dụng di động và cửa hàng ứng dụng, trong khi SEO tập trung vào website và công cụ tìm kiếm.
2. Search intent
- Đối với các cửa hàng ứng dụng: Thường liên quan đến việc tìm kiếm các ứng dụng cụ thể bằng brand name hoặc khám phá những ứng dụng mới để đáp ứng nhu cầu nào đó. Các truy vấn tìm kiếm có xu hướng ngắn gọn và tập trung vào tính năng của ứng dụng.
- Đối với web: Các truy vấn tìm kiếm thường dài và cụ thể hơn, người dùng thường có xu hướng tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi hoặc thông tin về sản phẩm và dịch vụ để mua sắm.
3. Yếu tố xếp hạng
- Về ASO: ASO tập trung vào nhiều yếu tố xếp hạng trên trang ứng dụng và ngoài trang ứng dụng. Trong đó, các yếu tố onpage bao gồm tên ứng dụng (iOS & Android), tiêu đề phụ (iOS) và mô tả ngắn (Android), phần mô tả dài (Android), trường từ khóa (iOS), lượt mua trong ứng dụng (iOS), đơn vị phát hành (iOS & Android). Các yếu tố offpage bao gồm tổng lượt download (iOS & Android), tỷ lệ chuyển đổi (iOS & Android), lượng tương tác người dùng (iOS & Android), review và rating (iOS & Android), tỷ lệ crash rate (iOS & Android) và số lượng backlink (Android).
- Về SEO: SEO cũng có nhiều yếu tố xếp hạng khác nhau, liên quan đến sự uy tín của website, ý định tìm kiếm và trải nghiệm người dùng. Các yếu tố bao gồm việc sử dụng từ khóa ở các vị trí quan trọng (title, H1, URL,…), nội dung chất lượng, tốc độ tải trang, số lượng backlink, uy tín tên miền, tỷ lệ nhấp chuột (CTR), lượng traffic và thời gian trung bình trên trang,…
Câu hỏi thường gặp
ASO trong bán hàng là gì?
Thuật ngữ ASO có thể được áp dụng trong bán hàng. ASO ở đây sẽ đề cập đến một trong bốn chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả bán hàng với chi phí thấp. ASO đo lường trung bình có bao nhiêu SKU (Avg SKU per Order – ASO) trong mỗi đơn hàng. Bạn có thể tính ASO bằng cách chia tổng số SKU được mua trong cửa hàng cho tổng số đơn hàng trong cùng kỳ.
ASO/MCP là gì?
Trong MCP, ASO là số điểm bán sản phẩm trong kế hoạch MCP và thường được đo lường bằng cách chia số điểm bán thực tế cho số điểm bán kế hoạch và sau đó nhân với 100 để có tỷ lệ phần trăm. Điều này giúp đo lường tỷ lệ bao phủ điểm bán trên kế hoạch MCP trong việc bán hàng.
Lời kết
Vietnix hy vọng thông qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ được ASO là gì và cách dùng ASO để tối ưu thứ hạng của hàng ứng dụng. Giúp cho ứng dụng của bạn được phổ biến rộng rãi hơn tới tay người dùng. Vietnix chúc bạn thành công!