Khi triển khai các chiến dịch quảng cáo trên Google Ads, người quảng cáo cần hiểu rõ ý nghĩa của từng chỉ số để đánh giá, cải thiện chất lượng và hiệu quả quảng cáo. Cùng Vietnix tìm hiểu về các chỉ số Google Ads quan trọng mà người quảng cáo cần quan tâm ngay sau đây.
Một số chỉ số Google Ads cơ bản
Đầu tiên, bạn cần nắm rõ 7 chỉ số Google Ads cơ bản sau đây:
Số nhấp chuột (click): Đây là số lần mà người dùng nhấp vào quảng cáo của bạn. Nó giúp bạn biết được lượng traffic đến website của bạn thông qua quảng cáo trên Google Ads.
Lượt hiển thị (impression): Đây là số lần mà quảng cáo của bạn được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của Google khi người dùng thực hiện truy vấn.
Tỷ lệ nhấp (CTR): Được tính bằng phần trăm, chỉ số này thể hiện tần suất mà người dùng tìm kiếm thấy quảng cáo của bạn và nhấp vào nó.
CTR chính là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của quảng cáo. Đối với các ngành thông thường, CTR sẽ nằm trong khoảng trên 10%. CTR cao cho thấy quảng cáo của bạn liên quan và hữu ích đối với người dùng.
Công thức tính CTR là: CTR = Số nhấp chuột / Lượt hiển thị.
CPC tối đa: Đây là chi phí tối đa mà bạn sẵn sàng trả cho mỗi nhấp chuột vào quảng cáo của bạn. Khi đã đặt giá thầu CPC tối đa, nếu người dùng nhấp vào quảng cáo thì bạn cũng sẽ không phải trả nhiều hơn giá thầu CPC tối đa đã đặt.
CPC trung bình: Đây là giá trung bình mà bạn trả cho mỗi nhấp chuột vào quảng cáo. Chỉ số này được tính bằng cách lấy tổng số tiền đã trả cho quảng cáo chia tổng số lần nhấp.
% lượt hiển thị (vị trí đầu tiên): Đây là tỷ lệ phần trăm số lần hiển thị quảng cáo của bạn ở bất kỳ vị trí nào phía trên kết quả tìm kiếm mà không phải trả tiền (trong top 4).
% lượt hiển thị (vị trí đầu tiên nhất): Đây là tỷ lệ phần trăm số lần hiển thị quảng cáo của bạn được hiển thị là quảng cáo đầu tiên phía trên kết quả tìm kiếm mà không phải trả tiền (trong top 1).
Để lấy các chỉ số trên tài khoản Google Ads, bạn xem truy cập vào các mục Chiến dịch, Nhóm quảng cáo hoặc Từ khóa. Sau đó, bạn nhấp vào Cột > Chọn tiếp Sửa đổi cột.
Tiếp theo sẽ xuất hiện cửa sổ tùy chọn sửa đổi cột cho các Chiến dịch, Nhóm quảng cáo hay Từ khoá.
Tại đây, bạn tick chọn những chỉ số quan trọng và cần thiết, đặt tên và chọn vào Lưu và Áp dụng để hiển thị các chỉ số theo mong muốn.
Cùng tham khảo một số bài viết liên quan về Google Ads tại đây:
– Cách liên kết Google Ads với Google Analytics nhanh chóng
– SEO và Google Ads: Đâu sẽ là lựa chọn bền vững cho doanh nghiệp
– Hướng dẫn 5 bước nạp tiền vào Google Ads nhanh chóng
3 chỉ số về hiệu suất hiển thị trong Google Ads
Để đánh giá hiệu suất hiển thị trong Google Ads, bạn cần quan tâm đến 3 chỉ số sau đây:
1. Tỷ lệ hiển thị trên mạng tìm kiếm
Tỷ lệ hiển thị trên mạng tìm kiếm chính là phần trăm số lần quảng cáo của bạn được hiển thị trên mạng tìm kiếm trên tổng số lần ước tính bạn đủ điều kiện để được hiển thị.
Tần suất hiển thị quảng cáo phụ thuộc vào cài đặt nhắm mục tiêu, trạng thái phê duyệt, ngân sách, giá thầu và điểm chất lượng của quảng cáo.
Chỉ số này được cập nhật mỗi ngày một lần, giúp bạn biết được các cơ hội tiềm năng để có nhiều lần hiển thị và nhấp chuột hơn.
Lưu ý: Tỷ lệ hiển thị càng cao càng tốt, dựa trên thang điểm 100%. Nếu tỷ lệ hiển thị thấp, có thể do xếp hạng quảng cáo hoặc ngân sách. Bạn có thể xem hai chỉ số tiếp theo để tìm cách khắc phục vấn đề này.
2. Tỷ lệ hiển thị bị mất trên mạng tìm kiếm (xếp hạng)
Chỉ số này chính là phần trăm lượt hiển thị ước tính trên mạng tìm kiếm mà quảng cáo của bạn không nhận được do xếp hạng của quảng cáo thấp.
Trong trường hợp tỷ lệ hiển thị bị mất trên mạng tìm kiếm (xếp hạng) cao có nghĩa là quảng cáo của bạn nhiều lần đạt đủ điều kiện để hiển thị trên mạng tìm kiếm, nhưng lại không được hiển thị do xếp hạng quảng cáo quá thấp. Tỷ lệ này được cập nhật 1 ngày/lần.
Lưu ý: Nếu bạn ghi nhận tỷ lệ hiển thị bị mất trên mạng tìm kiếm (xếp hạng) cao, bạn có thể thử tăng giá thầu hoặc cải thiện chất lượng quảng cáo và trải nghiệm trang đích của bạn. Nếu không thấy chỉ số nào xuất hiện, điều đó có thể do bạn đã sử dụng hết ngân sách trong ngày hôm đó.
Để cải thiện chất lượng cũng như trải nghiệm người dùng tại landing page thì yếu tố tốc độ tải trang là không thể bỏ qua. Tải trang nhanh đồng nghĩa với việc người dùng có trải nghiệm mượt mà, công cụ sẽ đánh giá chất lượng trang tốt hơn. Từ đó cải thiện thứ hạng hiển thị của quảng cáo mà không cần tiêu tốn nhiều ngân sách quảng cáo.
Cùng khám phá thêm các bài viết liên quan tại Vietnix để tìm hiểu rõ hơn về tốc độ tải trang trên website:
– 15 Công cụ test tốc độ website miễn phí tốt nhất
– PageSpeed Insights là gì? 6 Tiêu chí đánh giá điểm PSI
– Top 7 công cụ kiểm tra website chuẩn SEO tốt nhất hiện nay
3. Tỷ lệ hiển thị bị mất trên mạng tìm kiếm (ngân sách)
Chỉ số này biểu thị phần trăm lượt hiển thị ước tính trên mạng tìm kiếm mà quảng cáo của bạn đã không được hiển thị do ngân sách quá thấp.
Tỷ lệ hiển thị bị mất trên mạng tìm kiếm (ngân sách) cho thấy có nhiều lần quảng cáo của bạn đã đủ điều kiện để hiển thị trên ạng tìm kiếm, nhưng không được hiển thị do ngân sách quá thấp. Tỷ lệ này cũng được cập nhật 1 ngày/lần.
Lưu ý: Chỉ số này chỉ hiển thị ở mức chiến dịch. Và nếu muốn tăng số lượt hiển thị, bạn hãy thử tăng ngân sách.
3 chỉ số chuyển đổi trong Google Ads
Chỉ số chuyển đổi là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo Google Ads. Dưới đây là các chỉ số quan trọng liên quan đến chuyển đổi:
- Lượt chuyển đổi: Chỉ số này cho biết số lần quảng cáo của bạn đã thúc đẩy khách hàng thực hiện một hành động có giá trị như mua hàng, thêm vào giỏ hàng hoặc trở thành khách hàng tiềm năng.
- Chi phí/lượt chuyển đổi: Chỉ số này biết chi phí trung bình cho mỗi chuyển đổi. Nó được tính bằng cách lấy tổng chi phí chia cho số lần chuyển đổi. Chi phí bao gồm cả chi phí cho các tương tác có thể dẫn đến chuyển đổi, còn chuyển đổi chỉ tính những hành động có chủ đích đã được chọn ban đầu (thường là thêm vào giỏ hàng, mua hàng,…).
- Tỷ lệ chuyển đổi: Chỉ số này cho bạn biết tần suất trung bình mà một lần tương tác dẫn đến chuyển đổi. Nó được tính bằng cách lấy số lần chuyển đổi chia cho tổng số lần tương tác có thể dẫn đến chuyển đổi
Ví dụ: Số lần nhấp vào quảng cáo văn bản hoặc số lượt xem quảng cáo video). Chỉ số này chỉ tính những hành động chuyển đổi mà bạn đã chọn trong phạm vi “Chuyển đổi”.
Để xem các chỉ số chuyển đổi, bạn có thể xem theo cấp Chiến dịch, Nhóm quảng cáo hoặc Từ khóa. Tuy nhiên, bạn cần phải cài đặt chuyển đổi trước đó.
Quản lý các chỉ số trên Google Analytics
Trên Google Analytics, có một số chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu suất và chất lượng của website của bạn.
Dưới đây là 4 chỉ số bạn cần nắm:
- Thời gian trung bình của phiên: Chỉ số này được sử dụng để đo lường chất lượng của khách hàng đã truy cập vào website. Dữ liệu này được lấy từ tài khoản Google Analytics và được tính dựa trên các phiên bắt nguồn khi người dùng click vào quảng cáo AdWords. Nếu thời gian trung bình của phiên quá thấp (dưới 10 giây), có thể do tốc độ tải trang, nội dung không hấp dẫn hoặc nhấp chuột không hợp lệ.
- Tỷ lệ thoát: Tỷ lệ thoát đo lường phần trăm lượt truy cập mà người dùng rời khỏi website của bạn ngay từ trang đích, chỉ truy cập trang đơn và không xem các trang khác trên website. Tỷ lệ thoát cao cho thấy người dùng không tương tác với website hoặc không hài lòng. Nguyên nhân có thể do nội dung không phù hợp, trang không khả dụng hoặc không đáp ứng nhu cầu của người dùng. Dữ liệu này được thu thập từ tài khoản Google Analytics và chỉ tính dựa trên số lượt truy cập bắt nguồn từ các click vào quảng cáo AdWords.
- Số trang trên phiên: Chỉ số này thể hiện số trang trung bình mà người dùng ở một phiên truy cập vào. Dữ liệu này được lấy từ tài khoản Google Analytics và chỉ tính toán dựa trên các phiên bắt nguồn từ click chuột vào quảng cáo AdWords.
- % phiên mới: Chính là phần trăm số phiên truy cập lần đầu (từ người trước đó chưa từng truy cập vào website của bạn).
Để xem các chỉ số này trên tài khoản Google AdWords, bạn cần kết nối tài khoản Google Analytics với tài khoản Google AdWords.
Sau đó, bạn có thể truy cập vào tài khoản AdWords > Vào Cột > Chọn Sửa đổi cột > Kéo các cột từ Google Analytics sang để hiển thị các chỉ số trên giao diện của bạn.
Lời kết
Mong rằng những thông tin chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các chỉ số quan trọng trong Google Ads. Từ đó biết cách triển khai và tối ưu hiệu quả chiến dịch quảng cáo của bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.