Engagement Rate (chỉ số tỷ lệ tương tác) là một tính năng hữu ích trong GA4, được sử dụng để đo lường chất lượng traffic trên trang web. Tuy nhiên, hầu hết SEOer mới vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chức năng này. Vì thế, trong bài viết này, Vietnix sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng Engagement Rate trong GA4 một cách tối ưu và hiệu quả nhất cho trang web của mình. Mời bạn cùng tham khảo tại đây.
Engagement Rate trong GA4 là gì?
Engagement Rate hay tỷ lệ tương tác trong GA4 là phần trăm phiên tương tác (Engaged Session) trên trang web. Nói cách khác, Engagement Rate là một chỉ số đo lường chất lượng traffic trên website. Chẳng hạn như trang web có tổng cộng 1000 phiên (session), nhưng trong đó chỉ có 621 phiên được tính là “Engaged Session“. Khi đó, Engagement Rate sẽ là 62.1%.
Thoạt nhìn có thể bạn sẽ cho rằng phép tính này khá đơn giản. Tuy nhiên, để có được con số đó lại là điều không hề dễ dàng. Câu hỏi đặt ra là, khi nào một lượt truy cập được xem là “Engaged Session“? Hãy cùng đến với câu trả lời ở phần tiếp theo của bài viết.
Engaged Session trong GA4 là gì?
Để một phiên truy cập được gọi là Engaged Session, thì phiên đó phải đạt được một trong ba tiêu chí sau:
- Kéo dài từ 10s trở lên.
- Bao gồm ít nhất 2 trang được xem.
- Bao gồm 1 (hoặc nhiều) hành động chuyển đổi.
Quay lại ví dụ cũ, 621 Engaged Session là những phiên đạt một trong số các tiêu chuẩn trên. Lúc này, Engagement Rate sẽ cung cấp thước đo khách quan để so sánh hiệu suất trang web trong các khoảng thời gian khác nhau và so sánh với trang web của các đối thủ một cách rõ rệt nhất.
Engagement Rate tốt là bao nhiêu?
Theo đánh giá từ Orbit Media, Engagement Rate GA4 trung bình là 55%. Ngoài ra, theo Firstpageseo.com, Engagement Rate GA4 tốt cho trang web B2B là 63% và B2C là 71%.
Mặc dù vẫn còn khá sớm khi so sánh Engagement Rate của trang web với các con số tham chiếu trên, nhưng chúng vẫn được xem là một cách hữu ích để đánh giá hiệu suất trang web.
Mối liên hệ giữa Bounce Rate và Engagement Rate
Bounce Rate được hiểu là tỷ lệ thoát trang, tức là chỉ số đối lập với Engagement Rate – tỷ lệ tương tác. Nói cách khác, một phiên thoát trang trên GA4 chính là một phiên không được tương tác. Phiên thoát trang thường được tính là những phiên không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào trong ba điều kiện kể trên.
Như vậy, trong 1000 phiên truy cập, nếu Engagement Rate là 62.1%, thì Bounce Rate sẽ là 37.9% (100 – 62.1%).
Như vậy, tổng phiên truy cập vào trang web sẽ bằng Engagement Rate cộng với Bounce Rate. Mặc dù bạn có thể thêm Bounce Rate vào các báo cáo GA4 của mình, nhưng điều này được xem là không cần thiết trong trường hợp bạn đã xem xét và phân tích Engagement Rate.
Điều chỉnh bộ đếm thời gian cho các Engaged Session
Trước khi đến với cách sử dụng và cải thiện Engagement Rate, bạn có thể tùy chỉnh Engagement Rate bằng cách điều chỉnh bộ đếm thời gian cho các Engaged Session
Lưu ý: Bạn không nên thực hiện tùy chỉnh Engagement Rate theo hướng dẫn dưới đây nếu không biết rõ mục tiêu hoặc lý do chính đáng để làm điều này. Bởi lẽ, các thay đổi không cần thiết có thể gây ra sự cố hoặc cho trang web. Đồng thời, đừng quên xem xét các bên liên quan nội bộ trước khi tiến hành tùy chỉnh thuộc tính Engagement Rate.
- Bước 1: Bấm vào biểu tượng cài đặt hình bánh răng ở bên trái phía dưới màn hình để truy cập bảng điều khiển của quản trị viên.
- Bước 2: Trong phần cài đặt thuộc tính, bạn chọn Data Streams.
- Bước 3: Chọn data stream (luồng dữ liệu) bạn muốn.
- Bước 4: Kéo xuống và click vào thẻ Configure tag settings.
- Bước 5: Bấm Show All để hiển thị tất cả các cài đặt liên quan.
- Bước 6: Bây giờ, bạn click vào Adjust session timeout để thay đổi bộ đếm thời gian cho các Engaged Session.
- Bước 7: Bạn có thể thay đổi bộ đếm thời gian với bất kỳ tùy chọn nào mà mình muốn trong khoảng từ 10 đến 60s – tùy vào mục tiêu và chiến lược.
Thay đổi trên có thể ảnh hưởng lớn đến Engagement Rate trên trang web. Bởi lẽ, các Engaged Session dài từ 50 – 60s thường sẽ ít hơn rất nhiều so với các phiên 10s.
Dẫu vậy, bạn vẫn có thể thực hiện tùy chỉnh nếu điều này phù hợp với mục tiêu và kế hoạch đo lường trang web. Bởi lẽ, việc xem xét Engagement Rate chỉ có ý nghĩa nếu bạn hiểu mục đích sử dụng của chỉ số này và mong muốn cải thiện hiệu suất cho trang web của mình.
Cách sử dụng và cải thiện Engagement Rate
Bạn có thể sử dụng Engagement Rate để đánh giá hiệu quả các kênh lưu lượng trên trang web của mình:
Đánh giá chất lượng traffic với Engagement Rate
Để đánh giá chất lượng traffic bằng Engagement Rate, bạn truy cập vào Reports > Acquisition > Bấm vào Traffic Acquisition để xem báo cáo chuyển đổi lưu lượng truy cập.
Tại đó, bạn có thể nhìn thấy các thông tin như: người dùng, phiên truy cập và Engaged Session. Từ tổng số phiên và số Engaged Session (trong hộp màu xanh), bạn sẽ tính được Engagement Rate cụ thể là bao nhiêu.
Trong hình bên dưới, bạn có thể thấy rằng Engagement Rate tổng thể của trang web đang được đề cập đến là 75.59% – một mức cao hơn so với tiêu chuẩn được đề cập ở trên.
Ngoài ra, khi tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ biết được Engagement Rate tổng của trang được thúc đẩy bởi Engagement Rate trong Organic Search. Bằng chứng là Engagement Rate ở mục này đạt đến 77.47% (phần mũi tên xanh trong hình). Đồng thời, Engagement Rate của Direct traffic (traffic trực tiếp) chỉ đạt mức 56.92% (phần mũi tên xanh trong hình).
Qua những chỉ số trên, chủ trang web có thể cải thiện chất lượng traffic tổng thể bằng cách tập trung tăng Organic Search.
Để tìm hiểu sâu hơn, hãy xem xét traffic ở cấp Source/Medium thay vì cấp kênh. Tức là thay vì chỉ xem xét Organic Search, bạn nên phân chia thành Google/Organic, Bing/Organic, và DuckDuckGo/Organic để xác định nguồn traffic cụ thể trên trang web.
Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi xem các landing page nào được hiển thị trong Direct traffic và Organic traffic để tìm cách cải thiện các chỉ số hiệu suất. Đồng thời, việc phân tích cấp độ trang cũng là một ứng dụng khác của Engagement Rate.
Đo lường chất lượng nội dung với Engagement Rate
Bên cạnh việc đo lường chất lượng traffic, bạn còn có thể sử dụng Engagement Rate để đo lường chất lượng nội dung trên trang web của mình.
Để làm được điều đó, bạn cần theo dõi các báo cáo gồm Pages and screens và landing page:
Với báo cáo Landing page, bạn vào phần Reports > Engagement > Truy cập vào Landing page.
Nhìn vào bảng bên dưới, bạn sẽ nhìn thấy các dữ liệu của 7 landing page hàng đầu trong một thuộc tính của GA4.
Số liệu trong bảng cho thấy Engagement Rate tổng thể của trang web này là 53.65%, nhưng Engagement Rate của mỗi landing page lại có sự khác biệt lớn. Cụ thể, trang thứ 5 (có mũi tên màu xanh) có Engagement Rate là 61.13%, trong khi trang thứ 7 (có mũi tên màu xanh) lại có Engagement Rate thấp nhất với 50.36%.
Qua đó, bạn có thể nhận biết và xem xét cấu trúc của trang có hiệu suất cao hơn, từ đó so sánh với trang có hiệu suất thấp hơn để cải thiện cấu trúc và nâng cao chất lượng nội dung trên trang web. Các thử nghiệm đã cho thấy rằng, sau một thời gian thay đổi, cải thiện nội dung, tỷ lệ tương tác và hiệu suất tổng thể của trang sẽ được nâng cao và đạt hiệu quả tốt hơn trước.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, báo cáo landing page có thể vẫn chưa hiển thị Engagement Rate như hình trên. Khi đó, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn dưới đây để nhận được báo cáo trực quan nhất.
Tùy chỉnh bảo báo Landing Page
- Bước 1: Click vào biểu tượng hình bút chỉ ở phía trên bên phải của báo cáo.
- Bước 2: Lúc này, bạn sẽ nhìn thấy các chiều và số liệu có sẵn ở phía bên phải màn hình. Để thêm số liệu mới, bạn click vào Add metric, sau đó nhập Engagement Rate (mũi tên màu xanh).
- Bước 3: Bây giờ Google Analytics sẽ tự đề xuất tỷ số Google Analytics (mũi tên màu xanh) và việc bạn cần làm là click vào đó để thêm số liệu.
- Bước 4: Bạn có thể di chuyển các chỉ số để thay đổi thứ tự hiển thị trong bảng dữ liệu báo cáo của mình một cách dễ dàng. Như hình dưới, Vietnix đang đặt chỉ số Engagement Rate ở vị trí thứ 4.
- Bước 5: Click vào nút Apply màu xanh để lưu thay đổi.
- Bước 6: Nhấn nút Save màu xanh để lưu lại cài đặt báo cáo. Đối với trường hợp này, Vietnix sẽ chọn Save changes to current report để sửa đổi báo cáo hiện tại thay vì tạo một báo cáo mới.
Như vậy, bạn đã sở hữu một báo cáo hữu ích để theo dõi và cải thiện chất lượng nội dung, từ đó nâng cao Engagement Rate.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cải thiện Engagement Rate phức tạp hơn rất nhiều và bạn có thể theo dõi hướng dẫn tiếp theo để nắm rõ cách cải thiện Engagement Rate cho trang web của mình.
Làm cách nào để cải thiện Engagement Rate?
Có 2 cách để bạn có thể cải thiện Engagement Rate.
Thứ nhất, cần có sự kết hợp giữa các kênh traffic và tỷ lệ tương tác của từng kênh. Nếu bạn tập trung tiếp cận và ưu tiên phát triển các kênh có Engagement Rate cao, Engagement Rate tổng thể của trang cũng sẽ có sự gia tăng.
Thứ hai, bạn cũng có thể cải thiện Engagement Rate bằng cách phân tích và so sánh Engagement Rate của các trang hàng đầu trên web. Ở cấp độ này, bạn có thể phát hiện các mô hình và xu hướng trong trang có Engagement Rate tốt nhất và đối chiếu chúng với những trang hoạt động kém hơn:
- Có một số trang có Engagement Rate thấp đang tải chậm, liệu nguyên nhân có đến từ dung lượng hình ảnh quá lớn?
- Có thể bạn đã quên mất việc đăng kèm hình ảnh trong các bài viết và khách truy cập liệu có cảm thấy choáng ngợp trước một bài viết chỉ toàn chữ và chữ?
- Có lẽ bài viết đang có quá nhiều câu văn dài, khó hiểu và điều này có khiến bạn mất đi lượng lớn người đọc?
Không chỉ thế, còn có rất nhiều vấn đề bạn có thể nhận thấy trong quá trình phân tích và so sánh giữa các trang có tỷ lệ Engagement Rate khác nhau.
Điều này mang lại nhiều lợi ích đáng kể khi bạn có thể dựa vào đó để cập nhật và cải thiện nội dung, từ đó gia tăng trải nghiệm người dùng và nâng cao Engagement Rate cho trang.
Ngoài Engagement Rate, còn có rất nhiều chỉ số quan trọng khác trên GA4 mà bạn cần phải theo dõi để nâng cao tương tác và hiệu suất cho trang web của mình.
Những chỉ số quan trọng khác liên quan đến mức độ tương tác trên GA4
Dưới đây là một số chỉ số khác mà bạn có thể nhìn thấy trong báo cáo mà GA4 cung cấp:
User Engagement trong GA4
User Engagement (hay mức độ tương tác/tham gia của người dùng) là một chỉ số cung cấp thông tin về số liệu event-scope (phạm vi sự kiện) được điền tự động bởi GA4. Số liệu này ghi lại thời gian mà khách truy cập tham gia tích cực trên trang web.
Cụ thể, khi người dùng bắt đầu một phiên truy cập mới trên web, GA4 sẽ tự động ghi lại thời gian trong phiên (được tính bằng mili giây). Thời gian sẽ được tính khi xảy ra một trong số các trường hợp sau:
- Người dùng chuyển ứng dụng sang nền.
- Người dùng không tập trung vào trang web.
- Người dùng điều hướng khỏi màn hình trang web/ứng dụng (chẳng hạn như đóng tab, đóng ứng dụng hoặc điều hướng đến một trang/màn hình khác).
- Trang web/ứng dụng bị lỗi hay gặp sự cố.
Thời gian truy cập sẽ được hiển thị trên thông số engagement_time_msec parameter và được thêm vào một sự kiện (event) được thu thập tiếp theo.
Nếu bạn đang lấy dữ liệu từ API Google Analytics, bạn sẽ thấy event này được đặt tên là userEngagementDuration. Có thể nói rằng, đây chính là một trong những thành phần quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi phân tích và theo dõi tương tác trên trang web.
Average Engagement Time Per Session (Thời gian tương tác trung bình mỗi phiên)
Thời gian tương tác trung bình mỗi phiên = Tổng thời lượng tương tác của người dùng / Tổng số phiên.
Average Engagement Time Per Engaged Session (Thời gian tương tác trung bình trên mỗi phiên tương tác)
Thời gian tương tác trung bình trên mỗi phiên tương tác = Tổng thời lượng tương tác của người dùng / Tổng số phiên.
Average Engagement Time Per Event (Thời gian tương tác trung bình trên mỗi sự kiện)
Thời gian tương tác trung bình trên mỗi sự kiện = Tổng thời lượng tương tác của người dùng / Tổng sự kiện.
Average Engagement Time Per User (Thời gian tương tác trung bình trên mỗi người dùng)
Thời gian tương tác trung bình trên mỗi người dùng = Tổng thời lượng tương tác của người dùng / Số lượng người dùng đang hoạt động.
Lời kết
Vietnix hi vọng, bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ hơn về khái niệm và cách sử dụng Engagement Rate. Có thể nói rằng, Engagement Rate là một trong những chỉ số quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi theo dõi và phân tích hiệu suất trang web. Vậy nên, đừng quên lưu lại bài viết và chia sẻ để mọi người cùng đọc nếu cảm thấy nội dung trên hữu ích, bạn nhé!