Semantic Search đóng vai trò quan trọng trong quá trình SEO bài viết lên top Google, nhất là khi Google đang tập trung đẩy mạnh yếu tố này với mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, Semantic Search vẫn còn là khái niệm khá xa lạ và không phải ai cũng hiểu rõ Semantic Search là gì. Vì thế, trong bài viết dưới đây, hãy cùng Vietnix tìm hiểu về Semantic Search và cách tối ưu nội dung với thuật toán này.
Semantics là gì?
Semantics được hiểu là ngữ nghĩa học, tức là phương pháp nghiên cứu dựa trên ý nghĩa của ngôn từ, bao gồm cả việc tham chiếu với ngữ cảnh hoặc sự thật (hay tính chính xác). Hiện nay, Semantics là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực thuộc một số ngành như: triết học, ngôn ngữ học, khoa học máy tính.
Semantic Search là gì?
Semantic Search (tạm dịch là tìm kiếm ngữ nghĩa) là thuật ngữ được sử dụng dùng để chỉ ra phương pháp tìm kiếm thông minh, phương pháp này có khả năng hiểu ý nghĩa thực sự của từ khóa được tìm kiếm.
Khác với tìm kiếm từ vựng – tức là tìm kiếm kết quả theo nghĩa đen hoặc biến thể của từ khóa mà không quan tâm đến ý nghĩa tổng thể (dựa trên ngữ cảnh chung) của truy vấn, tìm kiếm ngữ nghĩa sẽ cải thiện mức độ chính xác của kết quả tìm kiếm bằng cách tìm hiểu ý định của người truy vấn và kết hợp với yếu tố ngữ cảnh để đưa ra kết quả phù hợp nhất.
Semantic Search giúp Google phân biệt sự khác nhau giữa các thực thể (con người, sự vật, địa điểm,…) để diễn giải ý định và mục đích tìm kiếm thật sự của người dùng dựa trên các yếu tố như:
- Lịch sử tìm kiếm của người dùng.
- Vị trí người dùng.
- Lịch sử tìm kiếm trên toàn cầu.
- Những biến thể về chính tả của từ khóa.
Chẳng hạn như một người dùng tìm kiếm từ khóa “vps giá rẻ” thì Semantic Search sẽ tự động hiểu rằng người dùng đang muốn tìm kiếm thông tin về những nhà cung cấp dịch vụ VPS với mức giá rẻ, sau đó đề xuất nội dung với danh sách kết quả tìm kiếm phù hợp.
Tại sao phải quan tâm đến Semantic Search?
Chúng ta cần phải quan tâm đến Semantic Search vì những lý do sau:
- Semantic Search là mục tiêu và cũng là chiến lược mà Google đang tập trung đẩy mạnh với mục đích nâng cao trải nghiệm tìm kiếm của người dùng thông qua các dữ liệu cá nhân hóa. Theo đó, các kết quả tìm kiếm được hiển thị sẽ liên quan đến ý định tìm kiếm thật sự của người dùng và ít xảy ra tình trạng spam hơn.
- Hai năm một lần, dữ liệu trên internet của thế giới lại tăng gấp đôi. Sự gia tăng đáng kể về khối lượng dữ liệu này đã khiến cho dữ liệu lớn trở thành một tiêu chuẩn quan trọng đối với người tham gia trong lĩnh vực trực tuyến. Trong bối cảnh đó, việc kết nối, sắp xếp, tổ chức và cấu trúc lại dữ liệu ngữ nghĩa để giải quyết nhu cầu cũng như mối bận tâm của người dùng chính là yếu tố quan trọng được các công cụ tìm kiếm quan tâm.
- Như vậy, tối ưu hóa phương pháp tìm kiếm ngữ nghĩa để đưa ra kết quả tìm kiếm phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của người dùng được xem như nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu của bất kỳ người làm nội dung nào trong thời đại 4.0.
Từ 2008, nhu cầu tìm kiếm bằng giọng nói đã tăng gấp 35 lần và Google đã đẩy mạnh Semantic Search để phục vụ cho nhu cầu này. Vì thế, tối ưu Semantic Search chính là tiền đề tốt nhất tạo nên sự thành công cho SEO Voice Search.
Lợi ích của việc tối ưu nội dung theo Semantic Search
Tìm kiếm ngữ nghĩa được phát triển với mục đích đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm kiếm của người dùng mỗi ngày. Từ việc tìm hiểu thông tin của một sản phẩm cho đến khái niệm của một sự việc, mọi người đều sẽ lên Google để tìm kiếm. Đó là lý do những người làm nội dung phải tìm cách để xây dựng và tối ưu nội dung sao cho phù hợp nhất với truy vấn của người dùng.
Để nội dung của bạn đáp ứng Semantic Search, tốt hơn hết là bạn nên bắt đầu với những chủ đề rộng hơn và điều chỉnh nội dung sao cho bên trong có chứa đầy đủ các từ, cụm từ có liên quan mật thiết đến từ khóa bạn đang muốn tối ưu SEO.
Hầu hết mọi người đều cho rằng Semantic Search là một yếu tố thuộc về tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế thì có rất nhiều người làm nội dung đã tối ưu bài viết của họ theo hướng Semantic Search này và thu về những kết quả ấn tượng.
Nói tóm lại, Semantic Search chính là tìm hiểu nhu cầu, mong muốn và ý định tìm kiếm của người dùng (Search Intent) để đưa ra những đề xuất nội dung chính xác, phù hợp nhất. Đáp ứng điều này, bạn sẽ cải thiện được trải nghiệm của người dùng và dễ dàng đạt được các mục tiêu trong quá trình SEO website.
7 cách tối ưu nội dung theo Semantic Search
- Ý định tìm kiếm trở thành ưu tiên
- Viết dàn bài
- Viết bài viết dài bao quát hết chủ đề liên quan
- Tập trung vào chủ đề thay vì từ khóa
- Đăng những content dài
- Sử dụng Schema Markup
- Triển khai Topic Cluster
Dưới đây là 7 cách tối ưu nội dung theo Semantic Search mà bạn có thể tham khảo:
1. Ý định tìm kiếm trở thành ưu tiên
Keyword (từ khóa) là một yếu tố quan trọng không thể trong quá trình SEO web. Tuy nhiên, qua nhiều lần thay đổi thuật toán của công cụ tìm kiếm Google, việc chèn quá nhiều từ khóa trong bài viết đã không còn hiệu quả, thậm chí nó còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thứ hạng bài viết nếu bị Google đánh giá là spam.
Hiện nay, đa số các SEOer đã chuyển sang tìm kiếm từ khóa với mục đích xác định được ý định tìm kiếm của người dùng (hay còn gọi là Search Intent). Đó chính là điểm khác biệt của phương pháp tối ưu SEO theo hướng Semantic Search. Thông qua các câu hỏi mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm trên Google, bạn có thể phát triển thành hàng loạt bài viết cho chủ đề của mình.
Chẳng hạn như khi bạn tìm kiếm một từ khóa như “hosting giá rẻ” thì công cụ tìm kiếm sẽ trả về các kết quả liên quan đến những trang web cung cấp dịch vụ này. Như vậy, Search Intent của khách truy cập khi tìm kiếm “hosting giá rẻ” chính là ý định nghiên cứu thông tin và tìm mua sản phẩm/dịch vụ.
2. Viết dàn bài
Nếu bạn muốn cung cấp một bài viết với chủ đề rộng lớn, bạn nên hình thành dàn bài trước với bao gồm các ý chính, ý phụ cần có trong bài. Việc làm này giúp bạn tránh bị lan mang trong lượng lớn thông tin và cung cấp nội dung chuyên sâu, đúng trọng tâm hơn.
Chẳng hạn như:
Semantic Search là gì? Cách để tối ưu nội dung cho Semantic Search H2: Semantics là gì? H2: Semantic Search là gì? H2: Tại sao phải quan tâm đến tìm kiếm ngữ nghĩa? H2: Lợi ích của việc tối ưu nội dung theo Semantic Search H2: 7 Cách tối ưu nội dung theo Semantic Search H3: 1. Ý định tìm kiếm trở thành ưu tiên H3: 2. Viết dàn bài H3: 3. Viết bài viết dài bao quát hết chủ đề liên quan H3: 4. Tập trung vào chủ đề thay vì từ khóa H4: Tập trung vào chủ đề H4: Bao gồm những từ khóa liên quan đến chủ đề H4: Nhắm đến nhiều từ khóa khác nhau nhưng liên quan trong cùng một trangH4: Tránh từ khóa dài H4: Tìm kiếm những Heading liên quan H4: Đừng bỏ qua hoàn toàn từ khóa H3: 5. Đăng những content dài H3: 6. Sử dụng Schema Markup H3: 7. Triển khai Topic Cluster H4: Topic Cluster là gì? H4: Topic Cluster có lợi ích gì với người dùng? H4: 7 bước triển khai Topic Cluster H2: Câu hỏi thường gặp H3: Google có Semantic Search không? H3: Sự khác nhau giữa Semantic Search và Semantic Web H2: Lời kết |
3. Viết bài bao quát hết chủ đề liên quan
Chủ đề liên quan là những chủ đề có nội dung xoay quanh chủ đề chính mà bạn đang hướng đến. Google sẽ đánh giá cao hơn đối với các bài viết chuyên sâu được xây dựng với nội dung dài, trong đó chứa đầy đủ các chủ đề nhỏ và có sự bao quát trong thông tin được chia sẻ. Đồng thời, những bài viết này còn khiến bạn trông thật chuyên nghiệp và chiếm được lòng tin từ khách truy cập.
Chẳng hạn như khi bạn Search từ khóa “phim avatar”, bạn sẽ nhận được những kết quả liên quan thông tin về bộ phim, diễn viên, các video, hình ảnh,…
Khi đó, nếu bạn muốn nâng cao thứ hạng cho bài viết với từ khóa “phim avatar”, bạn có thể xây dựng những nội dung xoay quanh chủ đề liên quan để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng hiện nay, ví dụ như: “Dàn sao “Avatar” giờ ra sao?” hay “Sự bùng nổ của Avatar phần 2 có như dự đoán?”,…
4. Tập trung vào chủ đề thay vì từ khóa
Nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn chỉ tập trung tối ưu SEO bằng Keywords (từ khóa) để cải thiện thứ hạng từ khóa trên công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, phương pháp này đã không còn mang lại hiệu quả cao như trước kia nữa. Vậy nên, chỉ tập trung vào từ khóa là vẫn chưa đủ. Thay vào đó, bạn cần chú trọng hơn trong việc xây dựng các bài viết dựa trên chủ đề chính.
Tập trung vào chủ đề
Người làm SEO cần phải thường xuyên tìm hiểu, thay đổi, triển khai và áp dụng các chiến lược tối ưu SEO mới để kịp thời thích nghi với sự update liên tục của thuật toán tìm kiếm trên Google. Trong đó, tập trung vào chủ đề là một xu hướng thịnh hành được Google đánh giá cao hiện nay.
Hãy tạo nên những bài viết chất lượng, có nội dung liên quan đến chủ đề chính mà bạn đang hướng đến, từ đó cung cấp nhiều giá trị hơn cho người đọc. Cụ thể, việc tạo nội dung tập trung vào chủ đề sẽ bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Nhóm nội dung theo topic chính.
- Bước 2: Sử dụng Content Gap để tìm kiếm những thông tin vẫn chưa được khai thác trong topic đó. Chẳng hạn như nội dung về hosting giá rẻ, bên cạnh các thông tin về địa chỉ mua hosting giá rẻ, kiến thức tổng hợp về hosting, bạn còn có thể triển khai thêm các bài viết về cách mua và cài đặt hosting, kinh nghiệm mua hosting,…
Bao gồm những từ khóa liên quan đến chủ đề
Bạn nên bao gồm những cụm từ khóa có liên quan (về mặt ý nghĩa) với chủ đề mà mình muốn viết. Điều này giúp Google có thể nhận biết và hiểu được chủ đề tổng thể trang web bạn đang triển khai là gì.
Chẳng hạn như khi bạn viết về chủ đề du lịch, trong bài viết của bạn nên bao gồm cả những cụm từ liên quan như: hành trình khám phá, lịch trình du lịch, thực đơn, đặc sản, bản đồ, hướng dẫn du lịch, vé máy bay, đặt phòng khách sạn,…
Nhắm đến nhiều từ khóa khác nhau nhưng liên quan trong cùng một trang
Người làm SEO cần lưu ý rằng, Google sẽ không có sự phân biệt giữa hai từ khóa tương tự nhau về nghĩa. Chẳng hạn như khi bạn tìm kiếm các từ “Cách SEO web”, “cách SEO” và “cách SEO website”, bạn sẽ nhận thấy rằng cả ba từ khóa trên đều cho ra kết quả gần giống nhau.
Vì thế, trong cùng một trang, bạn nên tối ưu cho những từ khóa khác nhau nhưng có liên quan với nhau để gia tăng khả năng xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm của trang web, từ đó thu hút lưu lượng truy cập lớn từ các khách hàng tiềm năng,…
Thông qua Semantic Search, các bài viết có chủ đề tương tự nhau thường bị Google xem như là giống nhau. Vậy nên, bạn cần viết những nội dung khác nhau để tăng tính độc đáo cho trang web và mang lại giá trị cho người đọc, đồng thời tránh bị Google đánh giá là trùng lặp nội dung.
Tránh từ khóa dài
Hiện nay, Google đã xem các từ khóa dài với các biến thể khác nhau là giống nhau. Vậy nên, việc tối ưu SEO cho từ khóa dài đã trở nên vô nghĩa. Chẳng hạn như với 2 từ khóa “hướng dẫn cách chọn hosting chất lượng” hay “kinh nghiệm chọn nhà cung cấp hosting uy tín”, Google sẽ nhận diện được cả hai đều cùng nói về một chủ đề đó là “dịch vụ hosting”, sau đó đề xuất nội dung cho người đọc với danh sách kết quả tìm kiếm tương tự nhau.
Vì thế, bạn nên chọn các từ khóa trung bình, có mức độ cạnh tranh vừa phải để tối ưu thay vì tập trung vào những từ khóa dài, chẳng hạn như từ khóa “tối ưu SEO”, nó sẽ không quá dài như “chiến lược tối ưu SEO hiệu quả”, và cũng không có mức độ cạnh tranh quá cao như từ khóa “SEO”.
Tìm kiếm những Heading liên quan
Để tối ưu SEO và nâng cao thứ hạng bài viết, bạn nên tập trung vào việc tìm kiếm và lựa chọn các heading liên quan, cụ thể là:
- Bước 1: Tìm hiểu về nỗi băn khoăn và mục đích tìm kiếm của người dùng, sau đó xác định những nội dung nào sẽ đáp ứng được mục đích tìm kiếm đó.
- Bước 2: Cần phải trả lời câu hỏi nào để giải đáp thắc mắc của người dùng và giúp họ hiểu hơn về chủ đề bạn đang viết? Để làm được điều này, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của công cụ Answer the public hoặc Ahrefs (tại phần Questions).
Đừng bỏ qua hoàn toàn từ khóa
Mặc dù Google đã thay đổi và áp dụng các thuật toán tìm kiếm mới, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn cần phải bỏ qua tất cả các từ khóa dài và những biến thể khác của từ khóa.
Về bản chất, Google vẫn đánh giá cao những trang web xây dựng nội dung với các từ khóa giá trị, vậy nên tối ưu từ khóa vẫn là một mục tiêu bạn cần quan tâm. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là thay vì nhắm vào một từ khóa chính, bạn có thể cùng lúc nhắm vào nhiều biến thể từ khóa khác nhau trên một trang web.
Khi đó, với các thuật toán thông minh (bao gồm cả Semantic Search), Google sẽ nhận biết sự liên quan của chúng và đánh giá trang web của bạn dựa trên các từ khóa giống nhau.
5. Đăng những content dài
Hiện nay, nhiều trang web thường triển khai các bài viết với nội dung từ 500 – 1000 từ để dễ tối ưu, đồng thời họ còn cho rằng những nội dung ngắn sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng vì ngắn gọn, dễ đọc, ít tốn thời gian, không dài dòng và trông cũng khá bắt mắt.
Tuy nhiên, hầu hết các bài viết ngắn lại khó có thể bao quát được nội dung và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho người đọc. Thậm chí, bài viết quá ngắn so với chủ đề triển khai đôi khi chỉ “đẹp” về hình thức mà chẳng mang lại giá trị gì. Vì thế, bạn nên tạo những bài viết dài với số chữ từ 1000 – 3000 (hoặc nhiều hơn tùy theo chủ đề) để truyền tải được hết những nội dung mà người đọc đang tìm kiếm.
Việc cung cấp thông tin hữu ích, có giá trị không chỉ giúp bạn mang đến giá trị cho người dùng, mà còn đem đến lợi thế cạnh tranh lớn trong SEO và thúc đẩy thứ hạng bài viết của bạn trên các công cụ tìm kiếm như Google. Bởi lẽ, Google rất chú trọng vào content, đặc biệt những bài viết dài, có giá trị và giải quyết được nỗi băn khoăn của người dùng sẽ được công cụ tìm kiếm này đánh giá cao hơn.
6. Sử dụng Schema Markup
Schema Markup (khai báo Schema) là một cách hữu ích giúp bạn sắp xếp và cung cấp thông tin một cách rõ ràng, có tổ chức hơn, từ đó tối ưu hóa khả năng hiển thị trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
Thông qua khai báo Schema, các công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng thu thập thông tin dữ liệu và hiểu được nội dung của trang web, đồng thời hiển thị thông tin bổ sung trong kết quả tìm kiếm dưới dạng Rich Snippet. Trong đó, Rich Snippet là một trong những SERP Feature quan trọng có khả năng gia tăng CTR (tỷ lệ nhấp chuột) cho bài viết của bạn.
Bạn cần chắc chắn rằng tất cả các dữ liệu khai báo Schema đều hiển thị một cách đầy đủ trong Source Code của trang. Đồng thời, việc tuân thủ các nguyên tắc chung về dữ liệu có cấu trúc của Google cũng là một lưu ý quan trọng khi Schema Markup.
Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm vì Google đã cung cấp thông tin chi tiết về các loại Schema cần có để bất kỳ ai, dù là mới làm quen với Schema Markup cũng đều có thể sử dụng một cách thành thạo.
7. Triển khai Topic Cluster
Cách triển khai content cũ đã bị thay thế bởi Topic Cluster sau khi thuật toán Google Hummingbird (2013) chính thức được áp dụng.
Topic Cluster là gì?
Topic Cluster là một nhóm bài viết (hoặc các trang trước) có sự liên kết với nhau và cùng hướng đến một chủ đề chung. Với Topic Cluster, thay vì tối ưu nội dung theo từng keywords, bạn sẽ triển khai và tối ưu các nhóm bài viết theo chủ đề nhất định.
Các bước tạo lập Topic Cluster sẽ bao gồm:
- Xác định và tạo lập content được Google đánh giá cao.
- Xây dựng danh sách bài viết với ý tưởng nội dung hữu ích cho người đọc.
Topic Cluster có lợi ích gì với người dùng?
Topic Cluster giúp người dùng dễ dàng tìm thấy nội dung họ đang cần ngay trong lần truy cập đầu tiên. Như vậy, Topic Cluster sẽ là phương pháp hữu ích để thỏa mãn được mục đích tìm kiếm – Search Intent của người đọc.
7 bước triển khai Topic Cluster
7 bước triển khai Topic Cluster lần lượt là:
- Bước 1: Chọn topic (chủ đề) mà bạn muốn rank top (xếp hạng).
- Bước 2: Research keywords – nghiên cứu từ khóa.
- Bước 3: Tiến hành nhóm các từ khóa theo các Topic Cluster.
- Bước 4: Kiểm tra lại content đã được triển khai và đăng tải trên website.
- Bước 5: Viết content cho Pillar page và Cluster content.
- Bước 6: Liên kết nội dung cùng chủ đề lại với nhau.
- Bước 7: Theo dõi và phân tích các chỉ số.
Câu hỏi thường gặp
Google có Semantic Search không?
Câu trả lời là có. Bằng chứng là từ năm 2013 trở lại đây, Google đã và đang không ngừng phát triển để trở thành một công cụ tìm kiếm ngữ nghĩa 100%.
Sự khác nhau giữa Semantic Search và Semantic Web
Semantic Search và Semantic Web thường khiến nhiều người nhầm lẫn khi cùng có một từ “semantic”. Trên thực tế, cả hai công nghệ này đều cố gắng hiểu ý nghĩa và truy xuất thông tin sao cho phù hợp nhất với ý định tìm kiếm của người dùng. Tuy nhiên, chúng lại có sự khác biệt về cách thức hoạt động và cách thức giải quyết vấn đề.
Nếu Semantic Search là công nghệ tìm kiếm thông tin dựa trên ngữ nghĩa – ý nghĩa và ngữ cảnh, thì Semantic Web sẽ bao gồm các công nghệ phục vụ cho việc trình bày, lưu trữ và truy vấn thông tin dựa trên ý nghĩa. Như vậy, Semantic Search sẽ hữu ích đối với các tìm kiếm trên một loại dữ liệu thuộc một lĩnh vực cụ thể, còn Semantic Web lại phục vụ tốt hơn cho các truy vấn cần nhiều loại thông tin liên quan.
Lời kết
Như vậy, bài viết trên đã lý giải “Semantic Search là gì?” và giúp bạn nắm rõ cách tối ưu nội dung cho tìm kiếm ngữ nghĩa. Semantic Search đang được đẩy mạnh với mục đích cá nhân hóa dữ liệu và nâng cao trải nghiệm người dùng. Vì thế, đừng quên lưu hoặc chia sẻ bài viết để mọi người cùng tham khảo và áp dụng nhé.