Brand Association là chìa khóa then chốt trong việc định vị thương hiệu và tạo dựng vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường. Trong bài viết này, Vietnix sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Brand Association là gì, vai trò và cách xây dựng Brand Association hiệu quả để tạo dựng dấu ấn thương hiệu độc đáo nhằm thu hút khách hàng tiềm năng.
Brand Association là gì?
Brand Association (liên tưởng thương hiệu) là một thuật ngữ trong marketing mô tả sự liên tưởng, kết nối, gắn kết trong tâm trí khách hàng về một thương hiệu cụ thể. Chúng có thể là những cảm xúc, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, ý nghĩa,… mà người tiêu dùng nghĩ đến khi họ nghe hoặc nhìn thấy một thương hiệu. Những kết nối này được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như tính năng, chất lượng sản phẩm, trải nghiệm của khách hàng,… và cả những yếu tố văn hóa, xã hội.
Brand Association có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực và có tác động lớn đến quyết định mua hàng của người dùng. Một thương hiệu mạnh mẽ thường để lại dấu ấn tích cực và rõ ràng trong tâm trí khách hàng. Chẳng hạn, khi nhắc tới về Nike, người ta thường nghĩ tới sự đổi mới, hiệu suất cao cùng câu khẩu hiệu “Just Do It”. Đây là những Brand Association mà Nike đã cố gắng xây dựng trong nhiều năm qua.
Vai trò của Brand Association là gì?
Brand Association là yếu tố then chốt giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ thương hiệu, tạo dựng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Dưới đây là những vai trò chính của Brand Association:
- Nhắc nhở khách hàng về thương hiệu: Brand Association giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ và nhận diện thương hiệu. Khi tiếp xúc với các yếu tố liên quan như logo, slogan, màu sắc, sản phẩm,… khách hàng sẽ ngay lập tức liên tưởng đến thương hiệu và giá trị mà doanh nghiệp đã truyền tải.
- Phân biệt thương hiệu với đối thủ cạnh tranh: Trên thị trường cạnh tranh với vô số thương hiệu tương tự, Brand Association giúp doanh nghiệp tạo điểm khác biệt cho thương hiệu của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Nhờ những liên tưởng độc đáo và ấn tượng, thương hiệu sẽ tạo dựng được dấu ấn riêng trong tâm trí khách hàng, từ đó củng cố khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Tạo ấn tượng và hình ảnh đẹp mắt về thương hiệu: Brand Association góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp mắt và tích cực về thương hiệu. Khi khách hàng liên tưởng thương hiệu với những cảm xúc tích cực như sự tin tưởng, sang trọng, đẳng cấp, họ sẽ có thiện cảm và xu hướng gắn bó, sử dụng sản phẩm, dịch vụ lâu dài.
- Hỗ trợ ra mắt sản phẩm mới: Brand Association tạo nền tảng vững chắc cho việc ra mắt sản phẩm mới trong cùng thương hiệu. Khi khách hàng đã có thiện cảm và tin tưởng vào thương hiệu, họ sẽ sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm những sản phẩm mới một cách tích cực hơn.
Liên tưởng thương hiệu gồm có những gì?
Brand Association là một khái niệm rộng, bao gồm những yếu tố hữu hình và vô hình ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Mục tiêu của Brand Association là tạo dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng, giúp họ dễ dàng ghi nhớ và nhận diện thương hiệu.
Brand Association có thể được xây dựng một cách có chủ ý thông qua các hoạt động marketing, truyền thông, thiết kế sản phẩm… Tuy nhiên, yếu tố này cũng có thể hình thành một cách tự nhiên từ những đặc điểm của sản phẩm, dịch vụ, giá cả, logo, slogan…
Dưới đây là những yếu tố phổ biến nhất trong liên tưởng thương hiệu:
- Hình ảnh mang tính biểu tượng: Logo, màu sắc hoặc phong cách tổng thể có thể tạo nên Brand Association.
- Ngôn ngữ: Lựa chọn từ ngữ, khẩu hiệu và giọng điệu của bạn có thể thúc đẩy sự liên tưởng đến thương hiệu.
- Tính cách: Gắn cho thương hiệu một “cá tính” riêng biệt thông qua những tính từ mô tả chính xác bản chất của thương hiệu (như sang trọng, trẻ trung, năng động,…).
- Bối cảnh: Đối tác hoặc vị trí của thương hiệu trong ngành có thể giúp thúc đẩy các mối liên kết với khách hàng.
Brand Association được hình thành dựa trên những yếu tố nào?
Để xây dựng Brand Association hiệu quả, các doanh nghiệp cần thực hiện các chiến lược bài bản, nhất quán, nhằm mục đích đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng và đối tác:
- Tương tác trực tiếp: Khách hàng có thể kết nối trực tiếp với doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau như website, cửa hàng online, cửa hàng vật lý, mạng xã hội,… để tìm hiểu kỹ hơn về thương hiệu.
- Hoạt động truyền thông: Những nỗ lực truyền thông, quảng bá từ doanh nghiệp giúp thúc đẩy sự nhận diện và hiểu biết của người tiêu dùng về thương hiệu, qua đó tạo ra Brand Association mạnh mẽ.
- Truyền miệng: Sự chia sẻ thông tin về thương hiệu giữa người tiêu dùng với nhau là một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng và củng cố các Brand Association.
- Giá cả: Mức giá sản phẩm phản ánh giá trị mà thương hiệu mang lại, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
- Sự liên kết với người nổi tiếng: Doanh nghiệp có thể hợp tác với các ngôi sao, người nổi tiếng để tăng độ nhận diện và uy tín thương hiệu.
- Chất lượng sản phẩm: Đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm là chìa khóa để tạo dựng niềm tin và sự trung thành với thương hiệu.
- Điểm bán hàng: Các kênh phân phối, điểm bán hàng, nơi mà khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp cũng góp phần quan trọng trong việc hình thành liên kết thương hiệu mạnh mẽ.
Brand Association cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Mặc dù Brand Association là một khái niệm trừu tượng và khó đo lường chính xác. Tuy nhiên để đánh giá mức độ hiệu quả của quá trình này, bạn có thể dựa trên những tiêu chí sau:
Tính nhất quán
Các liên tưởng cần có sự liên quan mật thiết và thể hiện được bản sắc riêng của thương hiệu. Tất cả các yếu tố truyền thông, từ logo, màu sắc, slogan đến thông điệp quảng cáo cần thống nhất và củng cố cho các liên tưởng mà thương hiệu muốn xây dựng trong tâm trí khách hàng.
Một ví dụ cụ thể cho việc không có sự nhất quán trong Brand Association và chiến lược truyền thông: Năm 2011, Coca-Cola thay đổi màu đỏ trên lon nước ngọt thành màu trắng để nâng cao nhận thức về chiến dịch bảo vệ gấu Bắc Cực. Tuy nhiên, sự thay đổi này lại phản tác dụng.
Màu đỏ là yếu tố Brand Association cốt lõi của thương hiệu nên việc thay đổi quá khác biệt đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Họ cảm nhận hương vị nước ngọt bên trong đã thay đổi và cho rằng bản thân đã mua nhầm Diet Coke. Kết quả là Coca-Cola buộc phải quay trở lại với màu đỏ quen thuộc trên bao bì sản phẩm.
Tính hấp dẫn
Yếu tố tiếp theo mà Brand Association cần đảm bảo là sự hấp dẫn và được người tiêu dùng ghi nhớ. Bộ não con người bao gồm ba phần: bộ nhớ giác quan, bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ dài hạn. Để hình thành liên tưởng thương hiệu, thông tin cần thu hút sự chú ý của bộ nhớ giác quan, gây ấn tượng tại bộ nhớ ngắn hạn nhiều lần trước khi được lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn. Nếu không đáp ứng được quá trình này, thông tin sẽ bị “đào thải” và không thể đi sâu vào tiềm thức.
Dễ nhận biết
Để tạo dựng Brand Association hiệu quả cần đảm bảo yếu tố dễ nhận biết. Điều này có nghĩa là sự liên kết giữa thương hiệu và concept được chọn phải rõ ràng, trực tiếp và dễ nhận thức bởi người tiêu dùng. Điểm tương đồng (Point-of-Parity) đóng vai trò nền tảng trong quá trình tạo dựng liên tưởng thương hiệu. Đây là yếu tố giúp người tiêu dùng dễ dàng liên kết hai yếu tố (thương hiệu và đối tượng liên tưởng) với nhau.
Điểm tương đồng có thể xuất phát từ những đặc điểm vật lý, tính năng hoặc tình cảm, cảm xúc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi người sẽ có những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm khác nhau trong quá khứ. Điều này dẫn đến dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức về cùng một điểm tương đồng.
Các cách xây dựng Brand Association hiệu quả
Xây dựng Brand Association đòi hỏi một kế hoạch tổng thể chặt chẽ và sự nhất quán trong quá trình thực hiện. Dưới đây là một số cách mà doanh nghiệp có thể áp dụng để xây dựng và củng cố Brand Association mạnh mẽ:
Brand Association liên kết với thuộc tính của sản phẩm/thương hiệu
Thuộc tính (attribute) là những đặc điểm mô tả bản sắc của một thương hiệu hay sản phẩm/dịch vụ mà thương hiệu đó cung cấp. Thuộc tính được chia ra làm 2 loại là lý tính và cảm tính, cụ thể như sau:
- Thuộc tính lý tính: Giá cả, bao bì, chất lượng, tính năng, hiệu quả, công dụng, thành phần, kênh phân phối, lợi ích…
- Thuộc tính cảm tính: Phong cách, đẳng cấp, giá trị, cảm xúc, trải nghiệm…
Ngành mỹ phẩm là ví dụ điển hình cho việc xây dựng Brand Association dựa trên thuộc tính lợi ích sản phẩm, ví dụ như mỹ phẩm thuần chay (Cocoon), dược mỹ phẩm chuyên trị các vấn đề da (La Roche-Posay, Vichy, Kiehl’s, Obagi,…). Khi đứng trước vô số lựa chọn trên kệ hàng, người tiêu dùng sẽ dựa trên liên tưởng thương hiệu để đưa ra quyết định mua hàng.
Liên tưởng thương hiệu dựa trên thái độ
Brand Association dựa trên thái độ được hình thành từ cảm xúc, đánh giá (hạnh phúc, hoài niệm, tự tin, nổi loạn,…) hoặc trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm/thương hiệu. Ngoài ra, liên tưởng cũng có thể xuất hiện nếu thương hiệu phù hợp với phong cách sống của khách hàng. Ví dụ, một thương hiệu hướng đến lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường sẽ thu hút những khách hàng quan tâm đến các vấn đề này.
Coca-Cola là minh chứng điển hình cho chiến lược xây dựng Brand Association dựa trên thái độ thành công. Nhắc đến Coca-Cola, người ta nghĩ ngay đến niềm vui và sự hạnh phúc. Hình ảnh thương hiệu xuất hiện trong các quảng cáo luôn gắn liền với những khoảnh khắc vui vẻ: tụ tập bạn bè, tận hưởng trên bãi biển hay các hoạt động sôi nổi tại các sự kiện thể thao,… Ngay cả sắc đỏ rực rỡ của Coca-Cola cũng gợi lên cảm giác chia sẻ niềm vui và khơi gợi lại những ký ức đẹp đẽ, khó quên trong tâm trí khách hàng.
Liên tưởng thương hiệu dựa trên liên kết với thương hiệu mẹ
Hiệu ứng hào quang (Halo effect) có thể được áp dụng để xây dựng liên tưởng thương hiệu dựa trên thương hiệu mẹ. Khi một thương hiệu con được gắn liền với một thương hiệu mẹ uy tín, thương hiệu con sẽ được hưởng lợi từ “hào quang” của thương hiệu mẹ, từ đó nhanh chóng tạo dựng niềm tin và nhận thức trong tâm trí khách hàng.
Một số ví dụ về liên tưởng thương hiệu dựa trên liên kết với thương hiệu mẹ:
Samsung
Khi Samsung ra mắt thương hiệu điện thoại thông minh Samsung Galaxy, họ đã tận dụng lợi thế từ thương hiệu mẹ Samsung Electronics vốn đã nổi tiếng về chất lượng và độ tin cậy. Nhờ đó, Samsung Galaxy nhanh chóng tạo dựng được vị thế trên thị trường và trở thành một trong những thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Toyota
Khi Toyota ra mắt thương hiệu xe Lexus, họ đã định vị Lexus là thương hiệu xe sang trọng cao cấp. Nhờ uy tín về chất lượng của Toyota, Lexus đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng và trở thành một trong những thương hiệu xe sang thành công nhất trên thế giới.
Liên tưởng thương hiệu dựa trên quốc gia/khu vực địa lý
Nhiều thương hiệu đã thành công trong việc xây dựng Brand Association bằng cách tận dụng văn hóa đặc trưng của khu vực và niềm tự hào, kiêu hãnh dân tộc. Đây là chiến lược hiệu quả giúp họ đánh bật đối thủ và tạo dựng vị trí độc đáo trên thị trường.
Một số ví dụ về liên tưởng thương hiệu dựa trên quốc gia/khu vực địa lý:
Hãng hàng không Vietnam Airlines
Với việc sử dụng hình ảnh hoa sen – một loài hoa gắn liền với đời sống tinh thần người Việt – trong logo và đồng phục tiếp viên hàng không, Vietnam Airlines tạo dựng được hình ảnh một hãng hàng không mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Nước mắm Nam Ngư
Với thông điệp “Tinh hoa ẩm thực Việt”, Nam Ngư khẳng định vị thế thương hiệu nước mắm truyền thống gắn liền với văn hóa nấu nướng của người Việt.
Brand Association liên kết với người nổi tiếng
Đây là chiến lược phổ biến nhất trong việc xây dựng Brand Association và thường được áp dụng để quảng bá sản phẩm. Hình ảnh của người nổi tiếng sẽ đóng vai trò thu hút sự chú ý, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận thức và ghi nhớ sản phẩm, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là sự phụ thuộc vào hình ảnh người nổi tiếng. Nếu khách hàng không yêu thích người đại diện này thì cho dù sản phẩm có chất lượng tốt đến đâu thì họ cũng có thể không chọn mua sản phẩm. Do đó, việc lựa chọn người nổi tiếng cần được thực hiện cẩn thận. Người đại diện cần có mức độ nhận biết cao và có những liên tưởng, đánh giá, cảm nhận trong tâm trí khách hàng phù hợp với thương hiệu. Ví dụ:
- Thương hiệu làm đẹp: Nên chọn nữ diễn viên trẻ trung, xinh đẹp.
- Thương hiệu thể thao: Nên chọn vận động viên hoặc người nổi tiếng có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao.
- Thương hiệu cao cấp: Nên chọn doanh nhân thành đạt, ông trùm kinh doanh hoặc người có tầm ảnh hưởng trong thương trường.
Một ví dụ về xây dựng Brand Association với người nổi tiếng là OPPO và Sơn Tùng M-TP. OPPO là thương hiệu điện thoại từ Trung Quốc đã tạo nên “cú hit” lớn khi hợp tác với Sơn Tùng M-TP. Cụ thể vào năm 2013, khi hãng điện thoại này xâm nhập vào Việt Nam cũng là lúc Sơn Tùng M-TP bùng nổ như một hiện tượng âm nhạc. OPPO nhận ra tiềm năng to lớn của ca sĩ trẻ này và quyết định chọn anh làm gương mặt đại diện cho nhãn hàng.
Sự kết hợp này mang đến hiệu quả bùng nổ. Chiến dịch quảng cáo cho OPPO F1s với sự góp mặt của Sơn Tùng M-TP đã tạo nên cơn sốt trên mọi phương tiện truyền thông. Từ Internet, TV, banner đường phố,… hình ảnh Sơn Tùng M-TP cùng chiếc F1s xuất hiện dày đặc, thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng. Kết quả, OPPO F1s trở thành chiếc smartphone bán chạy nhất năm 2016, vượt qua cả “ông lớn” Samsung.
Sự hợp tác giữa OPPO và Sơn Tùng M-TP được xem là “cú bắt tay” hoàn hảo, mang lại lợi ích cho cả hai bên. OPPO khẳng định vị thế thương hiệu “chuyên gia Selfie” hướng đến giới trẻ, đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu và doanh số bán hàng. Về phía Sơn Tùng M-TP, đây là cơ hội để ca sĩ này củng cố hình ảnh thời thượng, thu hút thêm fan hâm mộ và gia tăng sức ảnh hưởng.
Từ đó, OPPO và Sơn Tùng M-TP trở thành “cặp bài trùng” không thể tách rời. Họ đồng hành cùng nhau trong nhiều dự án, sự kiện. Màu xanh và logo OPPO xuất hiện bên cạnh Sơn Tùng M-TP ở mọi nơi, từ áp phích, băng rôn đến thông điệp quảng cáo. Hình ảnh Sơn Tùng M-TP gắn liền với thương hiệu OPPO và ngược lại. Khi nhắc tới OPPO, người dùng sẽ nhớ tới Sơn Tùng M-TP.
Brand Association liên kết với một biểu tượng
Disney là một ví dụ điển hình cho việc xây dựng Brand Association thành công dựa trên biểu tượng. Các nhân vật như chuột Mickey, Donald Duck, Elsa và nhiều nhân vật khác đã trở thành biểu tượng gắn liền với thương hiệu này, giúp củng cố vị thế của Disney trong ngành giải trí.
Tuy nhiên, việc sử dụng tên và hình ảnh của một biểu tượng để truyền tải thông điệp thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về bản quyền. Doanh nghiệp cần có giấy phép hợp pháp để sử dụng hình ảnh, tên gọi của biểu tượng nhằm tránh vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Xây dựng liên tưởng thương hiệu liên kết với một sự kiện
Một trong những cách hiệu quả để xây dựng Brand Association là gắn kết thương hiệu với một sự kiện nổi bật. Sự kiện văn hóa và thể thao là những “bệ phóng” lý tưởng để doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh và thu hút sự chú ý của khách hàng. Bằng cách tham gia hoặc tổ chức các sự kiện này, thương hiệu có thể khẳng định vị thế, truyền tải thông điệp và tạo dựng những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.
Ví dụ về liên tưởng thương hiệu
Brand Association của Coca-Cola
- Màu đỏ.
- Hương vị ngọt ngào.
- Hạnh phúc.
- Sảng khoái.
- Chia sẻ.
- Thể thao, năng động, trẻ trung.
- Bữa tiệc.
- Biểu tượng của Mỹ.
- Lịch sử lâu đời.
- Cảm giác hoài cổ.
Brand Association của Samsung
- Công nghệ cao cấp.
- Thiết kế sáng tạo.
- Chất lượng.
- Đổi mới.
- Sản phẩm đa dạng.
- Uy tín.
- Dòng Galaxy.
- Smart TV.
- Điện thoại thông minh.
- Thương hiệu Hàn Quốc.
Một số thuật ngữ về Brand khác mà Marketer nắm
Dưới đây là một số thuật ngữ quan trọng khác về Brand mà Marketer cần nắm vững:
Brand – Thương hiệu
Thương hiệu là một tập hợp các yếu tố giúp nhận diện và phân biệt một tổ chức hoặc sản phẩm với các đối thủ cạnh tranh trong tâm trí người tiêu dùng. Những yếu tố này có thể bao gồm:
- Tên gọi: Tên riêng biệt của tổ chức hoặc sản phẩm, ví dụ như “Nike”, “Coca-Cola”, “Samsung”.
- Thuật ngữ: Những từ ngữ mô tả hoặc định vị thương hiệu, ví dụ như “Just Do It” của Nike, “Think Different” của Apple.
- Thiết kế: Hình ảnh, biểu tượng, logo, bao bì sản phẩm,… mang tính nhận diện thương hiệu, ví dụ như logo quả táo của Apple, thiết kế chai Coca-Cola.
- Hình tượng: Hình ảnh đại diện cho thương hiệu, ví dụ như nàng tiên cá Starbucks.
- Dấu hiệu khác: Âm thanh, mùi hương, cảm nhận xúc giác,… có thể gắn liền với thương hiệu.
Brand Identity – Bộ nhận diện thương hiệu
Bộ nhận diện thương hiệu là hệ thống các yếu tố hữu hình, trực quan tác động đến thị giác của khách hàng. Bộ nhận diện thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thống nhất cho thương hiệu, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và ghi nhớ thương hiệu.
Các yếu tố trong hệ thống bộ nhận diện thương hiệu bao gồm:
- Logo guidelines: Quy định về cách sử dụng logo, màu sắc, kích thước, khu vực an toàn,…
- Template: Các mẫu thiết kế riêng biệt cho các ấn phẩm như thư mời, slide thuyết trình, biên bản,…
- Bảng màu: Quy định cụ thể các sắc màu riêng biệt cho từng sản phẩm, ấn phẩm.
- Font chữ: Đa dạng nhưng có một font chữ chính thức được sử dụng trong các ấn phẩm truyền thông quan trọng.
- Assets: Nơi lưu trữ và bảo mật toàn bộ thông tin thiết kế liên quan đến thương hiệu.
Brand Equity – Giá trị thương hiệu
Brand Equity hay giá trị thương hiệu, là tổng giá trị vô hình của một thương hiệu, bao gồm những tài sản độc đáo tạo nên mối liên kết đặc biệt giữa doanh nghiệp và khách hàng. Giá trị thương hiệu bao gồm:
- Nhận thức thương hiệu (Brand awareness): Mức độ nhận biết của khách hàng về thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là bước đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
- Liên tưởng thương hiệu (Brand association): Những đặc điểm, tính năng và giá trị mà khách hàng liên tưởng đến thương hiệu. Một thương hiệu mạnh sẽ gợi lên những liên tưởng tích cực và khác biệt so với đối thủ.
- Lòng trung thành thương hiệu (Brand loyalty): Mức độ gắn bó và ưu tiên của khách hàng đối với thương hiệu. Doanh nghiệp có thể xây dựng lòng trung thành bằng cách cung cấp sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ khách hàng tốt và trải nghiệm thương hiệu độc đáo.
- Nhận thức về chất lượng (Perceived quality): Đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu. Chất lượng cao là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin và sự trung thành của khách hàng.
Branding – Xây dựng thương hiệu
Branding hay xây dựng thương hiệu, là một tập hợp các phương pháp marketing và truyền thông được sử dụng để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu chính của Branding là tạo dựng dấu ấn sâu đậm tâm trí khách hàng, từ đó thúc đẩy sự tin tưởng, lựa chọn và gắn bó với thương hiệu.
Năm thành tố cốt lõi tạo nên một thương hiệu bao gồm:
- Bản sắc thương hiệu: Nền tảng cốt lõi, định hình giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn độc đáo của thương hiệu.
- Truyền tải thương hiệu: Gồm logo, slogan, bộ nhận diện thương hiệu và cách thức truyền tải thông điệp đến khách hàng.
- Nhận thức thương hiệu: Mức độ hiểu biết và ghi nhớ của khách hàng về thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ.
- Lòng trung thành thương hiệu: Mức độ gắn kết, tin tưởng và ưu tiên sử dụng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu so với đối thủ.
- Chiến lược xây dựng và quản trị thương hiệu: Khung chiến lược bài bản, thống nhất, bao gồm các hoạt động marketing, truyền thông, phát triển sản phẩm, dịch vụ khách hàng,…
Brand Positioning – Định vị thương hiệu
Dưới đây là 4 phương pháp phổ biến để định vị thương hiệu:
- Định vị theo tính năng: Tập trung vào những ưu điểm độc đáo của sản phẩm/dịch vụ.
- Định vị theo chất lượng dịch vụ/sản phẩm: Nhấn mạnh vào chất lượng vượt trội so với đối thủ.
- Định vị theo nhu cầu, mong muốn của khách hàng: Hiểu rõ insight khách hàng để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ.
- Định vị theo mối quan hệ: Tạo dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng, mang đến trải nghiệm độc đáo.
Brand Personality – Tính cách thương hiệu
Giống như con người, mỗi thương hiệu đều sở hữu những đặc điểm và tính cách riêng biệt. Những đặc điểm này góp phần tạo nên sự khác biệt, giúp thương hiệu nổi bật giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tính cách thương hiệu thể hiện qua nhiều khía cạnh, từ tác phong làm việc, cách thức phục vụ, hoạt động chăm sóc khách hàng…
Việc lựa chọn tính cách phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động cũng như thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải. Một thương hiệu trẻ trung, năng động sẽ có tính cách khác biệt so với thương hiệu hướng đến sự sang trọng, đẳng cấp.
Brand Attributes – Thuộc tính thương hiệu
Thuộc tính thương hiệu là những đặc điểm, tính chất, thuộc tính cốt lõi làm nên bản sắc riêng biệt của thương hiệu. Chúng là tập hợp các yếu tố góp phần hình thành nhận thức của khách hàng về thương hiệu, bao gồm cả khía cạnh lý tính và cảm tính.
Brand Image – Hình ảnh thương hiệu
Hình ảnh thương hiệu phản ánh nhận thức của khách hàng về một thương hiệu. Chúng bao gồm cả những thuộc tính lý tính (như sản phẩm, dịch vụ, giá cả) và cảm tính (như giá trị, cảm xúc, trải nghiệm) mà khách hàng liên tưởng đến thương hiệu đó.
Brand Loyalty – Lòng trung thành với thương hiệu
Lòng trung thành với thương hiệu là sự gắn bó và tin tưởng của khách hàng đối với một thương hiệu cụ thể. Điều này thể hiện qua hành vi mua sắm thường xuyên, ưu tiên lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu đó bất chấp sự cạnh tranh từ các đối thủ khác.
Brand Awareness – Nhận thức thương hiệu
Nhận thức thương hiệu là mức độ mà khách hàng biết đến và nhận thức được một thương hiệu cụ thể. Yếu tố này thể hiện qua khả năng ghi nhớ, nhận biết của khách hàng về tên gọi, logo, sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu đó.
Bí quyết tạo Brand Association tích cực
Xây dựng và duy trì Brand Association tích cực trong tâm trí khách hàng là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực không ngừng nghỉ. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn đạt được mục tiêu này:
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, cách họ xây dựng Brand Association sẽ giúp bạn xác định điểm khác biệt và định hướng chiến lược phù hợp cho thương hiệu của mình.
Chuẩn bị kế hoạch quản lý khủng hoảng toàn diện
Khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch quản lý khủng hoảng toàn diện để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo vệ hình ảnh thương hiệu đã xây dựng.
Sử dụng ngôn từ hấp dẫn
Cách sử dụng ngôn ngữ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Do đó bạn nên chọn lựa ngôn ngữ tích cực, khuyến khích hành động, và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Sáng tạo và nhất quán
Sáng tạo là yếu tố không thể thiếu giúp thương hiệu nổi bật và ghi dấu trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên, sáng tạo cần đi kèm với sự nhất quán để tạo dựng hình ảnh thương hiệu rõ ràng, thống nhất. Bạn cần thể hiện sự nhất quán trong mọi yếu tố như logo, slogan, thông điệp truyền thông, trải nghiệm khách hàng… Nhờ vậy, thương hiệu sẽ củng cố nhận thức và tạo dựng niềm tin nơi khách hàng.
Câu hỏi thường gặp
Phân biệt Brand Association, Brand Attributes và Brand Image
Nói một cách đơn giản:
– Brand Association là những gì khiến khách hàng liên tưởng tới thương hiệu.
– Brand Attributes là những bản chất, tính cách mà thương hiệu muốn xây dựng trong tâm trí khách hàng.
– Brand Image là hình ảnh thương hiệu thực sự tồn tại trong tâm trí khách hàng.
Sự khác biệt giữa Customer Loyalty và Brand Loyalty là gì?
Thoạt nhìn, hai khái niệm này có vẻ tương đồng, nhưng thực tế lại có những điểm khác biệt rõ rệt:
– Lòng trung thành với thương hiệu (Brand Loyalty) bắt nguồn từ sự hài lòng của khách hàng với trải nghiệm mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại. Khách hàng gắn bó với thương hiệu vì họ tin tưởng vào chất lượng, giá trị và sự độc đáo mà thương hiệu đó đại diện. Nếu sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu và mang lại giá trị vượt trội, khách hàng sẽ sẵn sàng gắn bó với thương hiệu bất chấp giá cả hay sự tiện lợi.
– Lòng trung thành của khách hàng (Customer Loyalty) chịu ảnh hưởng bởi các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, phiếu giảm giá hay chính sách bảo hành. Có thể nói, lòng trung thành khách hàng chịu ảnh hưởng bởi những lợi ích trực tiếp mà khách hàng nhận được. Họ có xu hướng lựa chọn những gì mang lại lợi ích tối đa cho bản thân.
Brand Association có thể thay đổi theo thời gian không?
Có, Brand Association hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Có nhiều yếu tố tác động đến sự thay đổi này, bao gồm: chiến lược thương hiệu, hoạt động marketing, hành vi của khách hàng, khủng hoảng thương hiệu, sự kiện bên ngoài (như thiên tai, Covid-19),… Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá Brand Association của mình và thay đổi nếu cần thiết để đảm bảo phù hợp với thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Lời kết
Trên đây là những thông tin tổng quan về Brand Association là gì và cách xây dựng Brand Association hiệu quả. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, công sức và chiến lược bài bản. Tuy nhiên, thành quả thu được sẽ vô cùng xứng đáng khi bạn sở hữu một thương hiệu mạnh mẽ, được khách hàng yêu thích và tin tưởng. Hãy bắt đầu xây dựng Brand Association ngay hôm nay để tạo dựng vị thế vững chắc cho thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng.