Máy trạm là một khái niệm còn khá mới lạ đối với những ai không mấy am hiểu về công nghệ điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc sử dụng máy trạm lại khá phổ biến vì dòng máy này mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp. Vậy, máy trạm là gì và máy trạm khác gì so với máy tính thông thường? Hãy cùng Vietnix tìm hiểu qua bài viết được chia sẻ dưới đây!
Máy trạm là gì? Laptop máy trạm là gì?
Máy trạm hay workstation là dòng máy tính cá nhân được thiết kế để sử dụng cho các công việc yêu cầu cấu hình cao và khả năng xử lý tốt như thiết kế đồ họa, lập trình, xử lý video, âm thanh,… Máy trạm thường có nhiều CPU, dung lượng RAM cũng như ổ cứng lớn, đồng thời còn được trang bị card đồ họa mạnh mẽ để hoạt động tốt với các tác vụ nặng phức tạp. Bên cạnh đó, máy trạm cũng được trang bị nhiều cổng kết nối để phục vụ cho nhu cầu làm việc linh hoạt, đa năng của người dùng.
Tương tự, laptop máy trạm (hay workstation laptop) cũng là một loại máy trạm, nhưng được thiết kế tối ưu để mang lại sự linh hoạt và tiện lợi cho người dùng. Với laptop máy trạm, bạn có thể mang máy đi khắp nơi thay vì phải cố định một chỗ với cả bộ máy nặng nề.
Mặc dù có vẻ ngoài nhỏ gọn, nhưng dòng máy này vẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng bởi cấu hình mạnh mẽ cùng những công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa máy trạm với laptop máy trạm, thì tất nhiên là laptop máy trạm vẫn có cấu hình và hiệu năng thấp hơn vì một số yếu tố như nguồn điện, hệ thống tản nhiệt, phần cứng…
Cấu tạo của máy trạm
Về bản chất, máy trạm cũng chỉ là một hệ thống máy tính nên sẽ có đầy đủ các thành phần cấu tạo như một chiếc máy tính thông thường. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt ở đây chính là thiết bị này được cấu thành từ các linh kiện, phần cứng hiện đại và đắt tiền, nên có thể đáp ứng được các nhu cầu về hiệu năng, tốc độ xử lý và độ tương thích cao.
Dưới đây là cấu tạo chi tiết của máy trạm mà bạn có thể tham khảo:
- Bộ vi xử lý (CPU): CPU được ví như bộ não của một hệ thống máy tính. Thành phần này có nhiệm vụ thực hiện các phép toán logic, số học và điều khiển các tác vụ trên hệ thống. Hiện nay, hầu hết các dòng máy trạm đều sử dụng CPU Xeon, Core i7 để đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu đa luồng với khối lượng dữ liệu cực lớn.
- Bộ nhớ RAM: Có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu và chương trình, phần mềm của máy trạm. Thông thường, các dòng máy trạm sẽ có bộ nhớ RAM lớn để có thể xử lý đa tác vụ cùng lúc, thường là 16 GB – 64 GB, tối thiểu 4 slot khe RAM. Bên cạnh đó, RAM của máy trạm còn khác máy tính thông thường ở khả năng kiểm tra và sửa lỗi ECC Memory tự động.
- Ổ cứng: Máy trạm thường được trang bị một số loại ổ cứng như HDD, SSD và SAS nhằm mang đến hiệu năng xử lý mạnh mẽ và đáp ứng được nhu cầu lưu trữ cao. Trong đó, RAID là một công nghệ quen thuộc thường được tích hợp trong các máy trạm để nâng cao bảo mật và hiệu năng truy xuất dữ liệu.
- Mainboard: Mainboard hay bo mạch chủ là nơi kết nối các linh kiện chính của thiết bị với các phần mềm và thiết bị ngoại vi khác. Mainboard trong máy trạm thường sẽ có các đặc điểm như: Sử dụng chipset cao cấp, cho phép lắp đặt nhiều card đồ hoạ và CPU cùng lúc, hỗ trợ mở rộng dung lượng với nhiều khe cắm RAM, chipset cho phép cài đặt RAID…
- Card đồ họa: Card đồ họa quyết định sức mạnh xử lý video, đồ họa của máy tính. Trong máy trạm, người ta thường trang bị các loại card đồ họa có cấu hình mạnh mẽ để xử lý các tác vụ đồ họa một cách nhanh chóng và mượt mà, trong đó có thể kể đến Quadro của AMD hay FirePro của AMD…
- Nguồn điện: Nguồn điện trong các dòng máy trạm sẽ có công suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu và hiệu suất hoạt động của các thiết bị phần cứng hay card đồ họa chuyên nghiệp.
- Các cổng kết nối: Như đã đề cập ở trên, các dòng máy trạm thường được trang bị nhiều cổng kết nối hơn để người dùng có thể thuận tiện trong việc kết nối với các thiết bị mạng, router, màn hình, máy in hay thiết bị lưu trữ ngoài…
- Bộ tản nhiệt: Đây là thành phần quan trọng có khả năng kiểm soát nhiệt độ và làm mát cho các phần cứng trong máy trạm. Bởi lẽ, với số lượng tác vụ cực khủng, nhiệt lượng tỏa ra từ máy trạm cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với các dòng máy tính thông thường, nên sẽ không khó hiểu khi máy trạm thường được trang bị các bộ tản nhiệt tiên tiến và hiện đại.
Đặc điểm của máy trạm
Điểm đặc biệt của máy trạm đến từ việc được trang bị những linh kiện phần cứng chất lượng và đắt đỏ nhất nhằm mang lại hiệu suất vượt trội và khả năng xử lý mạnh mẽ. Trong đó, không thể không kể đến ECC Memory Word size 72 bit – một công nghệ thường xuất hiện trong các dòng máy trạm hiện nay. Trong đó, có đến 64 bit được dùng để xử lý dữ liệu và 8 bit còn lại dùng cho ECC.
Với những trang bị trên, máy trạm thường rất ít khi xảy ra các sự cố giật lag, reboot hay màn hình xanh như những dòng máy tính thông thường. Đặc biệt, các tác vụ nặng như render video, export 3D – 4D cũng được thực hiện một các mượt mà và ổn định, từ đó mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Ngoài ra, phần lớn máy trạm cao cấp hiện nay đều sử dụng bộ vi xử lý Xeon được thiết kế riêng cho workstation. So với các dòng CPU Core thông thường, sản phẩm này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như:
- CPU cache dung lượng cao: Thông thường, CPU của Xeon sẽ sử dụng bộ nhớ Cache L3 với 15 GB đến 45 GB – cao hơn rất nhiều so với các dòng chip Core thông dụng hiện nay.
- Hỗ trợ RAM ECC: Công nghệ này có khả năng phát hiện và sửa chữa các dữ liệu tự động, từ đó nâng cao hiệu suất và tốc độ xử lý cho hệ thống. Hiện nay, chỉ có CPU của Xeon là hỗ trợ RAM ECC.
- Nhiều lõi hơn, cho phép lắp đặt nhiều CPU trên cùng mainboard: CPU mới nhất của Xeon có thể chứa tối đa 60 lõi CPU và có thể lên đến 120 sau khi siêu phân luồng.
Sự khác biệt giữa máy trạm và máy chủ hay máy tính thường
Để phân biệt được giữa máy trạm với máy chủ và máy tính thường, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu qua các nội dung sau:
Khái niệm | Máy trạm cũng là máy tính, nhưng lại có cấu hình và hiệu năng vượt trội hơn rất nhiều so với máy tính thông thường. Đồng thời, máy trạm có thể kết nối với mạng và những hệ thống độc lập, trong khi đó, máy chủ lại được biết đến như một trung tâm điều khiển chuyên cung cấp các dịch vụ, tài nguyên cho các thiết bị khác trong mạng. |
Thiết kế | Máy trạm có thiết kế và cấu tạo tương tự như máy tính thông thường, nhưng linh kiện phần cứng của chúng sẽ chất lượng, đắt đỏ và bền bỉ hơn. Trong khi đó, máy chủ là một loại máy tính đặc biệt nên sẽ không có các thiết bị nhập xuất (bàn phím, chuột…) như máy tính hay máy trạm |
Hiệu năng và cấu hình | Máy trạm có hiệu năng và cấu hình cao hơn rất nhiều so với máy tính và máy chủ. Vì thế, dòng sản phẩm này thường được sử dụng cho các công việc yêu cầu khả năng xử lý đồ họa và các tác vụ nặng một cách mạnh mẽ. |
RAM | Hầu hết các máy trạm thường có bộ nhớ RAM là 16GB và có thể nâng cấp lên 4 slot RAM để gia tăng tốc độ render trong vòng vài giây. Ngoài ra, máy trạm còn có chức năng tự động kiểm tra và sửa lỗi ECC Memory – một chức năng không có ở các dòng máy tính thông thường. |
Màn hình | Màn hình máy trạm thường được tích hợp nhiều công nghệ khác nhau như IPS chống lóa, độ phân giải Full HD – 4K, màn hình lớn từ 15.6 inch – 17.3 inch… Thông qua đó, máy trạm sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn các dòng máy tính thông thường bởi màu sắc chi tiết, rõ nét, độ tương phản chính xác, góc nhìn rộng, hình ảnh chân thực, sống động… |
Ổ cứng | Nếu như tốc độ quay của máy tính thông thường thường chỉ dao động từ 5400 rpm, thì hầu hết các dòng máy trạm đều đạt tốc độ 7200rpm. Đồng thời, máy trạm này còn được trang bị SSD PCie cho khả năng truy xuất dữ liệu cực nhanh mà vẫn đảm bảo về dung lượng lưu trữ. |
Đồ họa | Máy trạm thường được trang bị các loại card đồ họa chuyên dụng với khả năng xử lý mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng chuyên nghiệp. Trong khi đó, máy tính thông thường chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng – thường là sử dụng cho các ứng dụng văn phòng. |
Bộ vi xử lý | Bộ vi xử lý của máy trạm cũng cao cấp hơn máy tính thông thường rất nhiều. Các dòng máy trạm hầu hết đều được trang bị Intel Core i7 hoặc Intel Xeon thay vì dòng Core i CPU thường thấy ở máy tính thông thường. Với CPU đó, máy trạm có thể xử lý đa luồng với tốc độ CPU lên đến 4.0 Ghz. |
Đánh giá ưu, nhược điểm của máy trạm
Mặc dù là một dòng máy tính chuyên dụng với khả năng xử lý cùng hiệu suất ấn tượng, nhưng máy trạm vẫn còn tồn tại một số ưu – nhược điểm nhất định. Cụ thể là:
Ưu điểm
- Hoạt động ổn định, mạnh mẽ: Máy trạm thường được cấu thành từ những linh kiện điện tử chất lượng nên sẽ đảm bảo về độ bền bỉ, chắc chắn, tuổi thọ cao và ít khi hư hỏng, lỗi phần mềm. Ngoài với, với 2 tính năng ECC RAM và Multiple Processor Cores, bạn có thể yên tâm rằng hệ thống luôn hoạt động một cách mạnh mẽ và ổn định.
- Giảm thiểu lỗi hệ thống: Trước khi được cung cấp trên thị trường, nhà sản xuất đều sẽ kiểm tra một cách kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất. Đồng thời, dòng máy này còn được đồng bộ giữa phần cứng với phần mềm để hạn chế tối đa lỗi hệ thống hay các sự cố thường gặp ở máy tính thông thường.
- Phù hợp với các kỹ thuật viên: Với cấu hình cùng hiệu năng vượt trội, máy trạm có thể đáp ứng nhu cầu của hầu hết các công việc đòi hỏi khả năng xử lý dữ liệu mạnh mẽ như thiết kế video, render, xử lý CAD, phân tích dữ liệu…
Nhược điểm
- Chi phí cao: Máy trạm thường có giá cao hơn so với các dòng máy tính thông thường vì chỉ sử dụng các linh kiện và công nghệ hiện đại, chất lượng nhất.
- Rủi ro mua phải máy ráp: Nếu không có kiến thức hoặc mua từ những nguồn không uy tín, bạn có thể sẽ mua phải những dòng máy trạm kém chất lượng và không đúng quy chuẩn.
Yếu tố doanh nghiệp lựa chọn máy chủ
Nếu doanh nghiệp bạn đang có ý định đầu tư máy trạm để phục vụ cho công việc, dưới đây là một số yếu tố bạn cần quan tâm:
Mục đích dùng
Bên cạnh đó, máy trạm còn có khả năng xử lý một số công việc khác như chỉnh sửa, edit video, quản lý mail… Nếu doanh nghiệp cần một dòng máy để giải quyết cùng lúc nhiều công việc khác nhau, hãy ưu tiên một bộ xử lý cao cấp, một bộ nhớ đủ dung lượng và một loại card đồ họa chuyên dụng phù hợp.
Ngân sách
Ngân sách là một tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm, nhất là khi bạn cần mua cho tất cả các nhân viên trong công ty. Đối với quy mô doanh nghiệp, bạn có thể được hưởng nhiều ưu đãi về giá cả và dịch vụ, đồng thời được hỗ trợ các giải pháp hệ thống thông minh để tối ưu hiệu năng hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề bạn cần đối mặt là khoản chi phí khá lớn để chi trả cho thiết bị này.
Thương hiệu
Tại Việt Nam, có rất nhiều thương hiệu sản xuất máy trạm nổi tiếng và được tin dùng như HP, IBM, Dell… Khi mua, doanh nghiệp còn có thể lựa chọn các thành phần bên trong máy trạm để tối ưu chi phí mà vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc của mình.
Điểm ưu việt của laptop máy trạm
Những đặc điểm ưu việt của laptop máy trạm? Nên chọn laptop máy trạm hay máy tính trạm? Điều gì khiến laptop máy trạm trở nên ưu việt hơn laptop thông thường? Bạn nên chọn máy trạm hay laptop máy trạm? Dưới đây là câu trả lời dành cho bạn:
- Cấu hình và hiệu năng mạnh mẽ: So với laptop và máy tính thông thường, laptop máy trạm có hiệu năng và cấu hình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Vì thế, thiết bị này có khả năng xử lý khối lượng công việc cực lớn mà không gây ra các hiện tượng giật lag, lỗi hệ thống hay sự cố khó chịu.
- Độ tin cậy cao: Tương tự với máy trạm, các dòng laptop máy trạm thường được trang bị linh kiện điện tử cao cấp, chất lượng nên sẽ đảm bảo về độ bền bỉ và khả năng hoạt động ổn định, mượt mà trong suốt thời gian dài hoạt động.
- Dễ dàng thay thế và nâng cấp linh kiện: Các dòng laptop máy trạm thường được thiết kế theo cấu trúc module với các thành phần có thể thay thế. Vì thế, bạn có thể thay thế và nâng cấp linh kiện một cách dễ dàng để đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Nên chọn laptop máy trạm hay máy tính trạm?
Đây là câu hỏi được nhiều người dùng đặt ra. Trên thực tế, dù là laptop máy trạm hay máy tính trạm cũng đều sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vậy nên, hãy căn cứ vào nhu cầu và ngân sách của bản thân để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Nếu bạn là một người thường xuyên di chuyển và muốn tìm dòng laptop có khả năng xử lý mạnh mẽ, thì laptop máy trạm sẽ là gợi ý hàng đầu dành cho bạn. Ngược lại, những nhà thiết kế chuyên nghiệp có cường độ làm việc cao vẫn nên ưu tiên lựa chọn máy trạm để có trải nghiệm màn hình rộng lớn và chân thực hơn.
Câu hỏi thường gặp
Những dòng máy trạm Dell nên mua?
Một số dòng máy trạm Dell tốt nhất mà bạn có thể tham khảo và tìm mua là: Dell Precision 5510, Dell Precision 5520, Dell Precision 5530, Dell Precision 7520, Dell Precision 7550, Dell Precision 7530,…
Có nên mua máy trạm cũ không?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích của bạn. Thông thường, máy trạm cũ sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với máy mới mà vẫn đảm bảo hiệu năng tương đương. Ngoài ra, đây còn là giải pháp hàng đầu cho những ai muốn tìm mua các dòng máy trạm đã ngưng sản xuất. Tuy nhiên, nếu không am hiểu và chọn lọc kỹ, bạn có thể mua nhầm các loại máy trạm cũ kém chất lượng. Ngược lại, máy trạm mới sẽ đắt hơn, nhưng bạn có thể phần nào yên tâm về chất lượng, độ bền bỉ và ổn định của thiết bị.
Máy trạm có chơi game được không?
Câu trả lời là CÓ. Với CPU mạnh mẽ và card đồ họa rời, máy trạm vẫn có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của các game thủ, nhưng cần lưu ý là chúng không được thiết kế riêng cho mục đích này. Trên thực tế, có nhiều máy trạm sở hữu cấu hình mạnh mẽ hơn PC gaming thông thường, nhưng card đồ họa của chúng lại không được tối ưu cho game, vì thế mà FPS sẽ thấp hơn dù có giá cao hơn. Vì thế, nếu bạn muốn một chiếc máy tính để chơi game, hãy cân nhắc các dòng máy tính gaming chuyên dụng để có trải nghiệm tốt hơn.
Lời kết
Đó là câu trả lời cho thắc mắc máy trạm là gì và những ưu điểm của máy trạm so với máy tính thông thường. Có thể nói rằng, máy trạm mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng, nhất là những ai đang tìm mua dòng máy có cấu hình mạnh mẽ để xử lý các tác vụ nặng, nhưng hãy cân nhắc về chi phí và mục đích sử dụng để có cho mình lựa chọn phù hợp hơn, bạn nhé!