Với nhu cầu thiết kế trong mọi lĩnh vực và mức thu nhập hấp dẫn, Designer là một trong những nghề đang trên đà rất phát triển hiện nay. Để hiểu rõ về nghề Designer, Vietnix mời bạn tìm hiểu sâu hơn Designer là gì và những cơ hội phát triển trong ngành nhé!
Designer là gì?
Designer là một danh từ chỉ những người làm nghề thiết kế về hình dáng, cấu trúc hay công năng của một đối tượng trước khi nó được tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Đối tượng thiết kế của designer có thể là tất cả những thứ xung quanh con người như sản phẩm, vật thể, quy trình, đồ hoạ, dịch vụ và những trải nghiệm vô hình hoặc hữu hình.
Designer có thể làm việc tại nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, do đó Designer cũng có những tên gọi khác như Game Designer, Graphic Designer hay Fashion Designer,…
>> Xem thêm: Ngành thiết kế đồ họa là gì? Mức lương và cơ hội việc làm
Designer làm những công việc gì?
Sản phẩm của Designer rất đa dạng như banner, poster, hay bản thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm,… Chính vì vậy, công việc Designer không bó hẹp trong bất kỳ giới hạn nào. Tuy nhiên, với bài viết này, Vietnix sẽ chia nghề Designer ra làm 4 phần chính như bên dưới.
Nhà thiết kế đồ họa (Graphic Designer)
Nhà thiết kế đồ họa hay Graphic Designer là những người sử dụng phần mềm máy tính để tạo ra các sản phẩm thiết kế đồ họa nhằm truyền tải thông tin, ý tưởng, tạo cảm hứng với người xem.
Thành phẩm của Graphic Designer là giao diện web, bộ nhận diện thương hiệu, ứng dụng di động, logo, hình ảnh tạp chí hay bao bì sản phẩm, sách báo,…
Công việc của một người làm thiết kế đồ hoạ có thể là:
- Xác định phạm vi của dự án thông qua gặp gỡ giám đốc nghệ thuật hoặc khách hàng.
- Sử dụng phần mềm máy tính như Adobe Illustrator, Adobe Indesign hay Adobe Photoshop, AutoCad để tạo ra thiết kế.
- Xây dựng visual elements (các yếu tố trực quan) như các hình minh họa, hình ảnh gốc, logo để truyền tải thông điệp rõ ràng.
- Tiến hành lựa chọn và thiết kế bố cục, màu sắc, kiểu chữ và hình ảnh.
- Trình bảy sản phẩm với giám đốc nghệ thuật hoặc khách hàng.
- Tiếp nhận góp ý thay đổi từ khách hàng và giám đốc nghệ thuật, sau đó chỉnh sửa để cho ra sản phẩm cuối cùng.
- Kiểm tra, sửa lỗi thiết kế trước khi bàn giao hoặc xuất bản.
Graphic Designer cần cập nhật máy tính và các phần mềm công nghệ nhằm tăng tính cạnh tranh trong ngành.
Người làm thiết kế đồ họa có thể làm việc tại nhiều địa điểm và chức danh như:
- Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ in ấn.
- Nhân viên thiết kế tại phòng Marketing của doanh nghiệp.
- Nhà xuất bản tạp chí và sách báo.
- Đơn vị chuyên về quảng cáo, truyền thông, sự kiện.
- Trở thành giảng viên trong các trường Đại học hoặc các trung tâm đồ họa.
- Trở thành freelancer và làm việc tự do theo dự án,…
Nếu như bạn không có nhiều ý tưởng để thiết kế về một chủ đề nào đó, bạn có thể tham khảo trang web Behance. Nền tảng chia sẻ ảnh lớn nhất hiện nay, được nhiều nhà thiết kế tin dùng.
Thiết kế nội thất (Interior Designer)
Interior Designer hay nhà thiết kế không gian nội thất sáng tạo các không gian trong nhà tiện dụng, an toàn mà vẫn đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ.
Nhà thiết kế không gian nội thất cần xác định các yêu cầu về không gian như màu sắc, ánh sáng, vật liệu và lựa chọn vật dụng cần thiết.
Người làm trong nghề cũng cần có kiến thức quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn khả năng tiếp cận (accessibility standards) hay các quy định kiểm tra.
Công việc của Interior Designer có thể bao gồm:
- Tìm kiếm, đấu thầu dự án về không gian nội thất.
- Tìm hiểu, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của khách hàng với dự án.
- Đánh giá phong cách sống chung của khách hàng, cách di chuyển, sử dụng không gian trong nhà của các thành viên.
- Lựa chọn vật liệu và đồ nội thất kết hợp hoàn thiện đường ống nước, tường và sàn nhà.
- Xây dựng bản kế hoạch công việc rõ ràng cho dự án, dự toán chi phí.
- Đặt hàng đồ dùng, vật liệu, giám sát lắp đặt.
- Theo dõi quá trình thi công, phối hợp với tổng thầu xây dựng để đưa ra các phương án tối ưu về quy cách cho dự án.
- Kiểm tra và đánh giá lại dự án đã hoàn thành.
- Tiếp nhận ý kiến, chỉnh sửa nếu cần thiết nhằm đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
Nhà thiết kế nội thất là những người làm việc chặt chẽ với kỹ sư dân dụng, kỹ sư cơ khí, kiến trúc sư hay công nhân xây dựng và bộ phận trợ giúp để xác định không gian của dự án.
Chính vì vậy, họ là người có khả năng đọc hiểu bản thiết kế và có kiến thức về quy chuẩn xây dựng hay các quy định kiểm tra chung.
Ngoài bản phác thảo thủ công, Interior Designer cũng sử dụng thêm các phần mềm máy tính (CAD) hỗ trợ trong quá trình thiết kế. Kết hợp với CAD, họ cũng sử dụng phần mềm mô hình hóa thông tin tòa nhà (BIM) để có được hình ảnh 3 chiều trực quan đối với tường hoặc mái nhà.
Người làm nghề thiết kế không gian có thể chuyên về công trình cụ thể như khách sạn, nhà ở hay các phòng trong gia đình. Hoặc chỉ chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, làm việc cho cửa hàng nội thất giúp khách hàng lựa chọn đồ đạc hoặc vật liệu.
Thiết kế thời trang (Fashion Designer)
Nhà thiết kế thời trang (hay Fashion Designer) là những người tạo ra quần áo, giày dép hay phụ kiện nguyên bản. Fashion Designer phác thảo, hoa văn, lựa chọn chất liệu và tạo ra các sản phẩm do chính họ thiết kế.
Công việc chính của Fashion Designer là:
- Tìm hiểu, nghiên cứu và dự đoán xu hướng thời trang trong tương lai sẽ thu hút người tiêu dùng.
- Đưa ra quyết định cho bộ sưu tập mới.
- Thiết kế sản phẩm trên các phần mềm máy tính.
- Lựa chọn nguyên liệu như vải hoặc phụ kiện đính kèm cho từng loại sản phẩm.
- Làm việc cùng các thành viên trong nhóm hoặc với nhà thiết kế khác để tạo ra các sản phẩm nguyên mẫu.
- Trình bày ý tưởng của bản thiết kế với giám đốc sáng tạo hoặc giới thiệu ý tưởng trong các triển lãm thời trang.
- Tiếp thị bản thiết kế với người tiêu dùng hoặc các nhà bán lẻ thời trang.
- Giám sát, kiểm tra quá trình sản xuất sản phẩm để tránh xảy ra sai sót.
Những công ty may mặc hiện nay sẽ phát triển phòng thiết kế thời trang chuyên biệt với một giám đốc sáng tạo quản lý chung.
Fashion Designer có thể chuyên thiết kế về một loại sản phẩm như giày dép, phụ kiện hoặc quần áo. Tuy nhiên, cũng có những nhà thiết kế thời trang có thể tạo ra cả ba loại sản phẩm trên.
Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, nhà thiết kế thời trang có thể cung cấp sản phẩm của họ tại đây bên cạnh các cửa hàng truyền thống.
Những sản phẩm thiết kế này sẽ giúp họ có thể giao hàng nhanh chóng tới tay người tiêu dùng mà không cần mất một khoản phí lớn để mở cửa hàng trực tiếp giới thiệu sản phẩm.
Ngoài bản thiết kế tay, Fashion Designer cũng sử dụng phần mềm hỗ trợ (CAD) trên máy tính. Những phần mềm này giúp nhà thiết kế có thể thiết lập, chỉnh sửa và chia sẻ với người khác dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tùy theo chuyên ngành, quá trình thiết kế có thể khác nhau. Thông thường, thời gian hoàn thành toàn bộ quá trình từ khi thiết kế đến khi ra mắt sản phẩm hoàn thiện hoặc các bộ sưu tập mùa xuân hoặc mùa thu có thể mất khoảng 6 tháng.
Thiết kế công nghiệp (Industrial Design)
Nhà thiết kế công nghiệp hay Industrial Designer có nhiệm vụ phát triển từ ý tưởng thành sản phẩm hoàn thiện. Đây là những người kết hợp kinh doanh, kỹ thuật và nghệ thuật để tạo ra sản phẩm sử dụng hàng ngày.
Nhà thiết kế công nghiệp cần xem xét các chức năng, chi phí sản xuất, tính sử dụng và thẩm mỹ khi phát triển sản phẩm cũ hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Công việc của Industrial Designer có thể bao quát như sau:
- Nhận thông tin, xác định yêu cầu của dự án từ khách hàng.
- Nghiên cứu kỹ lưỡng các phương thức tạo ra sản phẩm dựa trên đối tượng sử dụng.
- Tạo các kết xuất (rendering) hoặc phác thảo ý tưởng trên giấy hoặc máy tính nhằm cung cấp hình ảnh trực quan của ý tưởng.
- Phát triển mô hình ảo của thiết kế bằng phần mềm máy tính.
- Tạo sản phẩm vật lý nguyên mẫu của thiết kế.
- Đánh giá, kiểm tra vật liệu và yêu cầu sản xuất, từ đó xác định chi phí.
- Đánh giá thiết kế dựa trên nhu cầu và chi phí với các chuyên gia như kỹ sư cơ khí hoặc nhà sản xuất.
- Kiểm tra các tính năng, mức độ an toàn của sản phẩm để đảm bảo thành phẩm có tính thực tiễn.
- Trình bày bản thiết kế và sản phẩm với khách hàng để nhận phản hồi và phê duyệt.
Nhiều nhà thiết kế công nghiệp sẽ tập trung vào một loại sản phẩm cụ thể như đồ tiêu dùng hoặc thiết bị y tế. Cũng có người chuyên sáng tạo ý tưởng cho các sản phẩm về phương tiện giao thông (xe máy, ô tô) hay đồ nội thất,…
Cùng với đó, một bộ phận Industrial Designer cũng được gọi là user interface designers (nhà thiết kế giao diện người dùng) hoặc interaction designers (nhà thiết kế tương tác).
Họ sẽ tập trung phần lớn vào khả năng sử dụng sản phẩm. Ví dụ như các thiết bị điện tử hiện đại sẽ đảm bảo các yếu tố tiện dụng, đơn giản hay dễ dùng.
Máy tính là một công cụ không thể thiếu đối với người làm thiết kế công nghiệp. Các phần mềm thiết kế 2D (CADD) được dùng để phác thảo ý tưởng. Chúng được sử dụng nhiều nhờ dễ dàng thay đổi và hiển thị các tính năng trong quá trình thiết kế.
Một số phần mềm 3D cũng được sử dụng phổ biến hơn để chuyển đổi các thiết kế hai chiều thành mô hình nhờ máy in ba chiều.
Với các nhà sản xuất, họ cũng ưu tiên sử dụng phần mềm thiết kế công nghiệp (CAID) để tạo ra hướng dẫn chi tiết cách thức tạo ra sản phẩm cho các máy móc khác.
Các kỹ năng cần thiết cho Designer
Để trở thành một nhân sự giỏi trong ngành Designer, bạn cần phát triển những kỹ năng nào?
Kỹ năng sáng tạo
Kỹ năng sáng tạo là một phần không thể thiếu đối với người làm Designer nói chung. Là một Designer, bạn cần liên tục trau dồi, cập nhật các ý tưởng để tạo ra các sản phẩm mới hữu ích và hấp dẫn với người sử dụng.
Nhờ vào khả năng sáng tạo, Designer có thể biến ý tưởng từ bản thảo thành các sản phẩm thực tế. Sự sáng tạo cũng giúp Designer vượt lên khuôn phép thông thường và làm mới sản phẩm của mình mỗi ngày.
Kỹ năng thiết kế chữ
Kỹ năng thiết kế chữ có tầm quan trọng trong công việc lớn hơn nhiều người vẫn nghĩ. Phông chữ hài hòa kết hợp với nội dung và yếu tố hình ảnh sẽ nhận được phản ứng tích cực của người xem.
Với giai đoạn in ấn, kỹ năng thiết kế chữ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên chất lượng sản phẩm.
Do đó, nếu đã xác định trở thành một Designer giỏi, đây chắc chắn là kỹ năng mà bạn không thể bỏ qua.
Kỹ năng phác thảo
Mặc dù có nhiều phần mềm máy tính hỗ trợ trong quá trình thiết kế nhưng phác thảo nhanh ý tưởng vẫn luôn là kỹ năng cần thiết của Designer.
Đây là kỹ năng sẽ giúp bạn ghi chép nhanh chóng các yêu cầu khách hàng hoặc ý tưởng bản thân. Một bản phác thảo tốt chính là nền tảng để tạo nên một sản phẩm chất lượng.
Kỹ năng xử lý màu sắc
Là một nghề liên quan đến tính thẩm mỹ nên các Designer cần trang bị kỹ năng xử lý màu sắc thuần thục. Người làm nghề thiết kế nói chung cần nắm rõ về sự kết hợp, tương phản hay biến hóa màu sắc để tạo ra thành phẩm nổi bật.
Thực tế cho thấy những thiết kế có sự kết hợp màu sắc tốt sẽ níu chân người xem ở lại lâu hơn với sản phẩm của bạn.
Kỹ năng về bố cục
Với việc tạo ra bố cục hợp lý và rõ ràng, bạn có thể dẫn dắt người xem hiểu hơn về thông điệp muốn truyền tải.
Là người đã hiểu nghề Designer là gì, bạn sẽ biết rằng bố cục rành mạch cũng giúp khách hàng ấn tượng, dễ liên tưởng hoặc hình dung, từ đó sẵn sàng lựa chọn sản phẩm của bạn.
Kỹ năng in ấn
Khả năng in ấn luôn cần thiết đối với Designer, đặc biệt trong nền công nghệ 4.0 hiện tại.
Dù làm việc độc lập hay tại các doanh nghiệp, bạn vẫn cần in ấn tài liệu hoặc bản thiết kế trên máy tính. Chính vì vậy mà Designer cần có kiến thức vững chắc về màu sắc, bố cục, tách màu hay quy trình in ấn.
Cơ hội nghề nghiệp của Designer
Ở phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cơ hội của nhân sự trong nghề thiết kế cũng như khám phá cách tăng thu nhập của Designer là gì nhé!
Vị trí mà Designer có thể đảm nhận là gì?
Với tính chất công việc sáng tạo và tự do về địa điểm làm việc, Designer là một trong những nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Khi tham gia vào cộng đồng Designer, bạn có thể làm việc tại các vị trí sau tùy thuộc vào sở thích và khả năng:
- Website Designer (nhà thiết kế website).
- Graphic Designer 2D, 3D (nhà thiết kế đồ hoạ 2D, 3D).
- Game Designer (nhà thiết kế game).
- Advertising Designer (nhà thiết kế quảng cáo).
- Chuyên viên xử lý hình ảnh.
- Chuyên viên quản lý sự kiện.
- Nhân viên thiết kế tại tổ chức, doanh nghiệp theo các lĩnh vực cụ thể.
- Tư vấn viên thiết kế ấn phẩm truyền thông.
- Giảng dạy về thiết kế tại trường Đại học, trung tâm đồ họa.
- Trở thành Freelancer và nhận các dự án thiết kế.
- Tự khởi nghiệp với dịch vụ studio hoặc dịch vụ thiết kế,…
Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về thiết kế, bạn cũng có thể học thêm các kiến thức bổ trợ về quản lý để tiếp cận với những vị trí cao cấp hơn như giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo hay giám đốc Marketing,…
Mức lương của Designer theo kinh nghiệm hiện nay
Dựa vào thống kê của nền tảng tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam – Vietnamworks, thu nhập của Designer có thể gia tăng dựa vào khả năng phát triển và kinh nghiệm làm việc như theo bảng dưới đây:
Vị trí và kinh nghiệm làm việc | Mức thu nhập trung bình |
---|---|
Sinh viên mới ra trường (< 3 năm kinh nghiệm) | ~ 11 triệu VNĐ/ tháng |
Nhân viên thiết kế (từ 3 – 6 năm kinh nghiệm) | ~ 15 triệu VNĐ/ tháng |
Trưởng phòng (> 6 năm kinh nghiệm) | ~ 23 triệu VNĐ/ tháng |
Freelancer | Không hạn mức |
Mức lương trung bình | ~ 15,5 triệu VNĐ/ tháng |
Nếu có lợi thế về ngoại ngữ, bạn cũng có thể trở thành nhân viên từ xa hoặc nhận các dự án thiết kế nước ngoài với mức thu nhập đáng kể. Cụ thể, mời bạn tham khảo bảng khảo sát mức lương của Designer tại các thị trường làm việc khác nhau.
Thị trường | Kinh nghiệm từ 5 – 7 năm | Kinh nghiệm từ 7 – 15 năm |
---|---|---|
Thị trường Anh | ~ 600 triệu VNĐ/ năm | ~780 triệu VNĐ/ năm |
Thị trường Mỹ | ~ 1 tỷ VNĐ/ năm | ~ 1,4 tỷ VNĐ/ năm |
Thị trường Việt Nam | ~ 220 triệu VNĐ/ năm | ~ 540 triệu VNĐ/ năm |
Cách tăng thu nhập dành cho Designer
Trở thành một Designer, bạn hoàn toàn có thể tăng thu nhập bằng cách nhận thêm các dự án tự do bên cạnh công việc tại công ty.
Với khảo sát gần đây, khoảng 90% Designers nhận từ 2 công việc thiết kế trở lên. Bằng việc nhận nhiều dự án một lúc, bạn sẽ nhanh nâng cao tay nghề, từ đó việc tăng thu nhập sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Lời kết
Với bài viết giải thích Designer là gì cùng những thông tin hữu ích về ngành thiết kế. Vietnix chúc bạn đọc sẽ xác định được con đường đi cụ thể trong ngành cũng như nắm bắt được những kỹ năng cần thiết để trở thành một Designer chuyên nghiệp bạn nhé. Nếu còn gì chưa rõ, hãy comment ngay bên dưới để được tư vấn thêm!