Sau khi cho ra mắt Windows 10, Microsoft đã tiếp tục phát hành Windows 10 LTSC – một phiên bản chuyên dụng cho môi trường doanh nghiệp. Vậy Windows 10 LTSC là gì và có những đặc điểm nổi bật, cải tiến bảo mật nào so với các phiên bản khác? Hãy cùng Vietnix tìm hiểu trong bài viết sau đây!
LTSC là gì?
LTSC là viết tắt của Long-Term Servicing Channel hay trước đây còn có tên gọi Long-Term Service Branch (LTSB). Đây là một phiên bản Windows dành riêng cho những thiết bị, hệ thống đòi hỏi sự ổn định cao và ít thay đổi như máy tính tiền (POS), ATM, thiết bị y tế (máy CT/MRI), hệ thống điều khiển công nghiệp,…
Khác với các phiên bản Windows thông thường, LTSC ít được cập nhật thường xuyên. Microsoft cam kết hỗ trợ mỗi phiên bản LTSC trong vòng 10 năm, đảm bảo không có sự thay đổi lớn nào về các tính năng trong suốt vòng đời này. Bạn cũng cần phân biệt LTSC với Semi-Annual Channel (SAC), một phiên bản được cập nhật thường xuyên hơn với với 2 bản update trong 1 năm.
Windows 10 LTSC là gì?
Windows 10 LTSC là một phiên bản Windows 10 được Microsoft thiết kế nhắm mục tiêu tối ưu cho môi trường doanh nghiệp và không phù hợp cho người dùng cá nhân hay gia đình. Lý do là bởi khi sử dụng Windows 10 LTSC, người dùng không cần phải cập nhật tính năng trong vòng 2 – 3 năm hoặc thậm chí 10 năm.
Cũng giống như các phiên bản LTSC khác, Windows 10 LTSC là hệ điều hành lý tưởng cho các thiết bị thực hiện công việc có tính chuyên môn hóa cao, không đòi hỏi cập nhật thường xuyên như máy móc y tế, công nghiệp, máy tính máy bay,… Bạn nên cân nhắc việc triển khai LTSC cho các máy tính hàng ngày vì điều này sẽ khiến chúng không thể sử dụng những tính năng mới và hiện đại nhất của Windows 10.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số công cụ trên Windows qua các bài viết sau:
Ưu nhược điểm của Windows 10 LTSC
Độ ổn định và tin cậy cao: Với chu kỳ cập nhật dài hạn, LTSC đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định, hạn chế tối đa các sự cố gián đoạn.
Giao diện quen thuộc: LTSC gần như giữ nguyên giao diện và các tính năng trong suốt phiên bản, giúp người dùng dễ dàng làm quen và không bị xung đột với ứng dụng, hệ thống đang sử dụng.
Quản lý hệ thống dễ dàng: Việc triển khai và quản lý hệ thống trở nên đơn giản hơn nhờ tần suất cập nhật không thường xuyên, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Bảo mật được tăng cường: LTSC được cung cấp các bản cập nhật bảo mật, sửa lỗi thường xuyên, đảm bảo hệ thống luôn được bảo vệ an toàn trước các mối đe dọa an ninh mạng.
Tùy biến cao: Người dùng có thể tùy chỉnh cài đặt hệ thống theo nhu cầu cụ thể, loại bỏ các thành phần không cần thiết, tối ưu hóa hiệu suất làm việc.
Tương thích rộng rãi: LTSC tương thích tốt với hầu hết các phần mềm, đảm bảo hoạt động ổn định của ứng dụng, hệ thống.
Ít tốn tài nguyên: Phiên bản LTSC thường có dung lượng nhẹ hơn các phiên bản khác và hoạt động ổn định lâu dài.
Chi phí cao: Bản quyền Windows 10 LTSC thường có giá thành cao hơn so với các phiên bản Windows 10 khác.
Thiếu các tính năng mới: Do chu kỳ phát hành kéo dài, LTSC không được cập nhật các tính năng mới thường xuyên như các phiên bản khác và có thể khiến hệ thống trở nên lạc hậu, kém tương thích với ứng dụng mới.
Hỗ trợ phần cứng hạn chế: LTSC có thể không tương thích hoàn toàn với các phần cứng mới, dẫn đến hiệu suất không ổn định trên các dòng máy tính hiện đại.
Các tính năng nổi bật trên Windows 10 LTSC
Windows Defender ATP
Windows Defender ATP (Windows Defender Advanced Threat Protection) là giải pháp bảo mật cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện cho điểm cuối. Tính năng này không chỉ phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa mà còn tự động điều tra và đưa ra phản hồi phù hợp. Với phiên bản Windows 10 LTSC, Windows Defender ATP được trang bị các công cụ phân tích mạnh mẽ, kết hợp nhiều lớp bảo mật cùng khả năng quản lý tập trung, giúp tổ chức bảo vệ dữ liệu và hệ thống một cách hiệu quả hơn.
Windows Defender
Windows Defender (trước đây là Windows Defender Antivirus) là một tính năng bảo mật tích hợp sẵn trong hệ điều hành Windows. Trên phiên bản Windows 10 LTSC, Microsoft đã nâng cấp Windows Defender bằng cách bổ sung các tính năng bảo vệ dựa trên điện toán đám mây và mở rộng các kênh mới để bảo vệ thiết bị và dữ liệu trong tình huống khẩn cấp.
Chế độ Kiosk
Với chế độ này, người dùng có thể thiết lập Windows 10 LTSC chỉ chạy một ứng dụng duy nhất hoặc một nhóm ứng dụng nhất định, giúp hạn chế quyền truy cập của người dùng và giảm thiểu rủi ro tấn công từ bên ngoài.
Công cụ giám sát và phân tích
Windows 10 LTSC cung cấp bộ công cụ chuyên biệt cho hoạt động giám sát – phân tích sự kiện, giúp người dùng chủ động phát hiện và xử lý nhanh chóng các mối đe dọa bảo mật.
Windows Autopilot
Được giới thiệu lần đầu từ phiên bản Windows 10 1709 và cũng tích hợp sẵn trong Windows 10 Enterprise 2019 LTSC, Windows Autopilot là công cụ hỗ trợ người dùng triển khai và quản lý vòng đời thiết bị hiệu quả hơn. Công cụ này tận dụng sức mạnh của điện toán đám mây giúp triển khai Windows 10 từ xa, không cần thao tác trực tiếp trên thiết bị, nhờ đó giảm thiểu đáng kể chi phí và thời gian triển khai các thiết bị chạy Windows 10.
MBR2GPT.EXE – Dòng lệnh mới
MBR2GPT.EXE là một công cụ dòng lệnh mới được tích hợp vào Windows 10, bắt đầu từ phiên bản 1703 và bao gồm cả Enterprise 2019 LTSC. Công cụ này hỗ trợ chuyển đổi định dạng phân vùng từ MBR sang GPT, cho phép người dùng tạo các phân vùng ổ đĩa lớn hơn và linh hoạt hơn. Ngoài ra, MBR2GPT.EXE còn góp phần tăng cường độ ổn định của dữ liệu, hỗ trợ nhiều loại phân vùng khác nhau và cải thiện tốc độ khởi động/tắt máy.
Quản lý MDM
Với Windows 10 Enterprise 2019 LTSC, hệ thống sẽ tự động đăng nhập, ghi nhật ký cho các thiết bị di động nhằm giúp phát hiện lỗi hiệu quả hơn. Khi đó, Windows có thể tự động cập nhật thông tin lỗi từ MDM để loại bỏ nhu cầu đăng nhập thường xuyên cho các thiết bị có dung lượng bộ nhớ hạn chế.
Windows 10 Enterprise và Windows 10 LTSB
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa Windows 10 Enterprise và Windows 10 LTSB, hãy cùng xem bảng so sánh chi tiết dưới đây:
Tính năng | Windows 10 LTSB | Windows 10 Enterprise |
---|---|---|
Thiết bị sử dụng phù hợp | Máy tính hoặc hệ thống quan trọng, yêu cầu ổn định cao, thời gian hoạt động gần như 100%, không cần các tính năng mới của Windows 10. | Hầu hết PC trong bất cứ tổ chức nào. |
Tần suất cập nhật | 2-3 năm/lần. | Thường xuyên, theo chu kỳ phát hành SAC (Semi-Annual Channel). |
Các tính năng | Rút gọn, tập trung vào ổn định. | Đầy đủ các tính năng mới nhất của Windows 10. |
Ổn định | Rất cao, ít bị ảnh hưởng bởi các bản cập nhật. | Tương đối cao, có thể gặp một số vấn đề nhỏ sau khi cập nhật. |
Linh hoạt | Thấp, khó tùy chỉnh. | Cao, nhiều tùy chọn cấu hình. |
Đối tượng nên sử dụng Windows 10 LTSC
Những phân khúc người dùng sau đây nên sử dụng Windows 10 LTSC:
- Doanh nghiệp có quy mô lớn.
- Nhà máy, xí nghiệp sản xuất.
- Bệnh viện, phòng khám.
- Tổ chức tài chính, ngân hàng.
- Cửa hàng bán lẻ, siêu thị cần hệ thống POS.
Thiết bị phù hợp sử dụng Windows 10 LTSC
Windows 10 LTSC hữu ích nhất với các thiết bị cần độ ổn định cao, ít cập nhật, thường dùng trong môi trường chuyên dụng như:
- Thiết bị công nghiệp: Máy móc sản xuất, thiết bị điều khiển, hệ thống tự động hóa.
- Thiết bị y tế: Máy chụp X-quang, máy MRI, máy siêu âm, thiết bị hỗ trợ phẫu thuật.
- Thiết bị POS: Máy tính tiền, máy quét mã vạch.
- Hệ thống nhúng: Thiết bị điều khiển giao thông, máy ATM,….
- Máy tính chuyên dụng: Máy tính công nghiệp, máy tính dùng trong phòng thí nghiệm, máy tính chơi game, máy chủ.
Các ứng dụng không tương thích với Windows 10 LTSB
Win 10 Enterprise LTSC được thiết kế tối giản, ưu tiên sự ổn định hơn là tính năng. Vì vậy, phiên bản này loại bỏ nhiều ứng dụng và dịch vụ như:
- Trình duyệt Microsoft Edge.
- Trợ lý ảo Cortana.
- Cửa hàng ứng dụng Microsoft Store.
- Bộ ứng dụng văn phòng và đa phương tiện: Microsoft Mail, Calendar, OneNote, Weather, News, Sports, Money, Photos, Camera, Music, Clock.
Những lưu ý khi doanh nghiệp ứng dụng LTSC rộng rãi
Trái với dự đoán ban đầu, thực tế LTSC không trở thành phiên bản Windows 10 được các doanh nghiệp ưa chuộng. Có nhiều yếu tố khiến các doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ trước khi áp dụng rộng rãi phiên bản này, cụ thể:
- Chính sách “Windows Silicon Policy” của Microsoft: Chính sách này đảm bảo các sản phẩm của Windows luôn tương thích, bảo mật trên những thiết bị mới nhất. Tuy nhiên các phiên bản LTSC lại không được hỗ trợ trên phần cứng ra đời sau thời điểm phát hành và việc hỗ trợ sẽ được thực hiện qua các bản phát hành mới trong tương lai. Điều này buộc doanh nghiệp có thể phải nâng cấp hệ thống hàng năm thay vì khoảng thời gian dài 2 – 3 năm như mong đợi.
- Thiếu các tính năng và dịch vụ mới: LTSC ưu tiên sự ổn định, do đó không có các tính năng cập nhật liên tục như Microsoft Edge, Microsoft Store, Cortana, MS Office,… Phiên bản này cũng không hỗ trợ công cụ quản lý ConfigMgr Express Updates hay cập nhật Windows Defender ATP và cũng hạn chế hỗ trợ phần cứng, phần mềm.
- Không hỗ trợ nâng cấp tại chỗ: Windows LTSC không hỗ trợ nâng cấp tại chỗ từ các phiên bản Windows cũ hơn như Windows 7. Bạn cần cài đặt thủ công bằng file .MSI. Điều này có nghĩa là các bản cập nhật sửa lỗi và cải tiến mới sẽ không được backport cho LTSC.
So sánh giữa Windows 10 LTSC với những phiên bản khác
Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giúp bạn hình dung rõ hơn sự khác biệt giữa phiên bản Windows 10 LTSC với những phiên bản khác:
Tính năng | Windows 10 LTSC | Windows 10 Pro | Windows 10 Home |
---|---|---|---|
Tần suất cập nhật | 2-3 năm/ lần hoặc thậm chí 10 năm/lần. | Mỗi 6 tháng/lần. | Mỗi 6 tháng/lần. |
Nội dung cập nhật | Chủ yếu vá lỗi bảo mật. | Cập nhật đầy đủ tính năng mới, giao diện và vá lỗi. | Cập nhật đầy đủ tính năng mới, giao diện và vá lỗi. |
Giao diện người dùng | Ổn định, ít thay đổi. | Thay đổi linh hoạt theo từng bản cập nhật. | Thay đổi linh hoạt theo từng bản cập nhật. |
Mức độ bảo mật | Rất cao với các bản vá lỗi bảo mật liên tục. | Tốt | Cơ bản |
Khả năng kiểm soát cập nhật | Doanh nghiệp có thể chủ động kiểm soát cập nhật. | Cập nhật tự động. | Cập nhật tự động. |
Khả năng tương thích ứng dụng | Hầu hết các ứng dụng Windows. | Tất cả các ứng dụng Windows. | Hầu hết các ứng dụng Windows. |
Chi phí bản quyền | Cao nhất | Trung bình | Thấp nhất |
Đối tượng phù hợp | Doanh nghiệp, tổ chức lớn cần hệ thống ổn định và bảo mật cao. | Doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dùng cần đầy đủ tính năng. | Người dùng cá nhân, gia đình. |
Câu hỏi thường gặp
LTSC có tương thích với các phần mềm chuyên dụng như phần mềm công nghiệp không?
Có, LTSC được thiết kế để tương thích với các phần mềm chuyên dụng, đặc biệt là trong môi trường công nghiệp. Điều này thể hiện qua việc:
– LTSC chỉ cập nhật bảo mật, ít cập nhật tính năng, giảm thiểu rủi ro xung đột phần mềm.
– Thời gian hỗ trợ lên tới 10 năm, đảm bảo phần mềm có thể hoạt động ổn định lâu dài.
– Doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ quá trình cập nhật, tránh gián đoạn sản xuất.
LTSC có ảnh hưởng gì đến thời lượng pin của thiết bị di động không?
Không, lý do bởi LTSC là hệ điều hành dành cho máy tính Windows, không dành cho thiết bị di động nên không thể ảnh hưởng đến thời lượng pin của chúng. Thời lượng pin di động phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: cấu hình phần cứng, các ứng dụng đang chạy, cài đặt hệ thống, trạng thái pin,…
LTSC có ảnh hưởng gì đến tốc độ khởi động hệ thống không?
LTSC có thể giúp cải thiện tốc độ khởi động hệ thống so với các phiên bản Windows thường xuyên cập nhật tính năng nhờ vào việc:
– Có ít các ứng dụng và dịch vụ chạy nền.
– Tập trung vào các bản vá bảo mật, giúp hệ thống ổn định hơn và ít bị xung đột.
– Công cụ dòng lệnh MBR2GPT.EXE hỗ trợ chuyển đổi từ định dạng phân vùng MBR sang GPT, giúp cải thiện hiệu suất và tốc độ khởi động.
Lời kết
Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Windows 10 LTSC là gì và những điểm khác biệt so với các phiên bản khác. Với những ưu điểm vượt trội về chu kỳ cập nhật dài hạn và nhiều tính năng bảo mật nâng cao, LTSC hứa hẹn sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên hoạt động ổn định, liên tục và an toàn.