Hai công cụ phổ biến hiện nay được sử dụng để duyệt web ẩn danh và bảo vệ thông tin cá nhân là Proxy và VPN. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về sự khác biệt giữa hai công cụ này. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Proxy và VPN, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp theo nhu cầu của mình.
Cách thức hoạt động của Proxy
Máy chủ proxy hoạt động như một lớp trung gian nằm giữa các thiết bị (client) và ứng dụng, dịch vụ trên Internet (server). Khi truy cập vào ứng dụng, website, yêu cầu của bạn sẽ không được gửi trực tiếp đến máy chủ của website đó mà sẽ đi qua máy chủ proxy trước.
Có hai loại proxy chính: proxy chuyển tiếp (máy chủ proxy đặt trước máy khách) và proxy ngược (máy chủ proxy đặt trước máy chủ ứng dụng của bạn). Mỗi loại có cách thức hoạt động như sau:
Máy chủ proxy chuyển tiếp
Quá trình tương tác giữa máy khách và máy chủ khi sử dụng proxy chuyển tiếp diễn ra theo các bước sau:
- Máy khách gửi một yêu cầu truy cập đến một trang web cụ thể.
- Yêu cầu này sẽ được chuyển đến máy chủ proxy. Tại đây, địa chỉ IP của máy khách sẽ được thay thế bằng địa chỉ IP của chính máy chủ proxy.
- Yêu cầu tiếp tục được chuyển tiếp đến máy chủ lưu trữ trang web (máy chủ ứng dụng).
- Sau khi xử lý yêu cầu, máy chủ ứng dụng sẽ gửi dữ liệu phản hồi về máy chủ proxy.
- Cuối cùng, máy chủ proxy sẽ chuyển tiếp dữ liệu này về lại máy khách.
Nhờ vậy, máy chủ ứng dụng sẽ không biết được địa chỉ IP thực của máy khách mà chỉ biết địa chỉ IP của máy chủ proxy. Điều này giúp bảo mật thông tin và ẩn danh cho người dùng.
Máy chủ proxy ngược
Máy chủ proxy ngược là một lớp bảo vệ trung gian giữa ứng dụng của bạn và người dùng cuối. Proxy ngược kiểm soát và lọc tất cả lưu lượng truy cập đến trước khi chúng tiếp cận ứng dụng, giúp phát hiện và ngăn chặn các hoạt động độc hại.
Quản trị viên hệ thống có thể tùy chỉnh proxy ngược để chặn các nguồn truy cập không đáng tin cậy, đảm bảo chỉ những yêu cầu hợp lệ mới được chuyển tiếp đến ứng dụng. Bên cạnh vai trò bảo mật, proxy ngược còn cung cấp các tính năng bổ sung như ẩn danh máy chủ gốc, cân bằng tải và tối ưu hóa hiệu suất, giúp nâng cao khả năng phục vụ của ứng dụng.
Giao thức máy chủ Proxy phổ biến
Hai giao thức proxy được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là HTTP và SOCKS:
HTTP Proxy
HTTP Proxy là loại máy chủ proxy ra đời sớm nhất, chuyên xử lý các lưu lượng truy cập dựa trên web. Khi thiết lập kết nối giữa trình duyệt và máy chủ proxy HTTP (thông qua file cấu hình hoặc tiện ích mở rộng), toàn bộ lưu lượng truy cập web sẽ đi qua proxy.
Nếu bạn sử dụng proxy HTTP để truy cập các dịch vụ như email hay ngân hàng, hãy đảm bảo rằng trình duyệt đã bật SSL và trang web hỗ trợ mã hóa SSL. Lý do là proxy không tự động mã hóa kết nối dữ liệu, vì vậy bạn cần chủ động trang bị các giải pháp bảo mật.
SOCKS Proxy
SOCKS Proxy là một tiện ích mở rộng của HTTP proxy nhưng linh hoạt hơn. SOCKS proxy không phân biệt loại lưu lượng truy cập như HTTP proxy, có thể xử lý mọi loại dữ liệu như web, FTP, BitTorrent,…
Tuy nhiên, SOCKS Proxy thường có tốc độ chậm hơn HTTP Proxy và cũng không cung cấp tính năng mã hóa mặc định. Người dùng cần tự mình đảm bảo bảo mật cho dữ liệu truyền đi.
Cách thức hoạt động của VPN
VPN tạo ra một kênh giao tiếp bảo mật trên Internet bằng cách kết hợp mã hóa với một máy chủ proxy. Cụ thể, dữ liệu người dùng sẽ được mã hóa và truyền qua một máy chủ VPN trung gian để ẩn địa chỉ IP và định tuyến lưu lượng đến website thứ 3 một cách an toàn. Có hai loại VPN phổ biến, phân loại theo cách thiết lập mã hóa là VPN dựa trên máy khách và VPN site-to-site:
VPN dựa trên máy khách
VPN dựa trên máy khách là loại VNP mà bạn phải cần cài đặt ứng dụng khách VPN trên thiết bị nếu muốn sử dụng. Ứng dụng này có nhiệm vụ kết nối thiết bị của bạn trực tiếp vào mạng nội bộ của tổ chức hoặc doanh nghiệp khi được kích hoạt.
Khi đó, máy khách VPN sẽ tạo ra một kết nối được mã hóa (hay đường hầm IPSEC) để mã hóa tất cả dữ liệu truyền từ thiết bị tới mạng tổ chức và ngược lại. Trong đó, IPsec một nhóm các quy tắc hoặc giao thức được dùng để bổ sung thêm lớp mã hóa và xác thực vào giao thức TCP/IP để tăng cường bảo mật.
VPN site-to-site
VPN site-to-site là một giải pháp mạng riêng ảo giúp kết nối các mạng nội bộ của công ty tại nhiều địa điểm khác nhau một cách an toàn và liền mạch. Công nghệ IPsec được sử dụng để bảo mật đường truyền, cho phép nhân viên truy cập và chia sẻ tài nguyên bất kể vị trí địa lý. VPN site-to-site hoạt động như một đường hầm bảo mật, đảm bảo tính riêng tư và an toàn cho dữ liệu truyền đi.
So sánh giữa VPN và Proxy
Sau đây là bảng so sánh sự khác biệt chính giữa VPN và Proxy là gì để bạn có thể dễ dàng hình dung và lựa chọn công cụ phù hợp với nhu cầu của mình.
Tính năng | Proxy | VPN |
---|---|---|
Mục đích sử dụng | Truy cập nội dung bị giới hạn, ẩn địa chỉ IP cho một số ứng dụng. | Bảo vệ toàn diện khi sử dụng kết nối công cộng, truy cập vào nội dung bị chặn, ẩn danh người dùng |
Mã hóa lưu lượng | Không | Có mã hóa đầu cuối |
Ẩn danh | Hạn chế | Có, thay thế địa chỉ IP thực của bạn bằng địa chỉ IP của máy chủ VPN |
Tính năng bảo mật bổ sung | Không, người dùng tự trang bị giải pháp bảo mật | Tích hợp sẵn tính năng kill switch, ngăn chặn rò rỉ DNS, không ghi nhật ký, Obfsproxy,… |
Streaming | Khó khăn do bị chặn proxy | Thích hợp để stream |
Torrent | Không khuyến nghị | Tùy thuộc nhà cung cấp |
Dễ sử dụng | Cần kiến thức kỹ thuật | Dễ sử dụng, phù hợp cho cả người mới bắt đầu |
Tốc độ kết nối internet | Trung bình, phụ thuộc vào máy chủ | Thích hợp để khắc phục hiện tượng nghẽn mạng nhưng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như vị trí máy chủ, khoảng cách truyền dữ liệu,… |
Chi phí | Miễn phí hoặc trả phí | Miễn phí hoặc trả phí |
Giao thức | HTTP, FTP, SMTP | PPTP, L2TP |
Môi trường hoạt động | Trình duyệt | Tường lửa |
Mô phỏng mạng riêng | Không | Có |
Tạo đường hầm với người dùng cuối | Không | Có |
Tính ổn định | Kém | Tốt |
Phạm vi bảo vệ | Một trang web hoặc ứng dụng | Tất cả hoạt động trên web |
VPN có tốt hơn Proxy không?
Câu trả lời là có. So với proxy, VPN vượt trội hơn hẳn. VPN tạo ra một đường hầm bảo mật, mã hóa tất cả dữ liệu gửi và nhận để bảo vệ thông tin cá nhân của bạn khỏi bị đánh cắp. Trong khi đó, proxy chỉ đơn giản là một lớp trung gian chuyển tiếp lưu lượng truy cập, giúp thay đổi địa chỉ IP mà không cung cấp bất kỳ lớp bảo mật nào cho dữ liệu. Hơn nữa, VPN hoạt động ở cấp hệ điều hành, bảo mật toàn bộ hoạt động trực tuyến của bạn chứ không chỉ giới hạn ở một ứng dụng cụ thể như proxy.
Khi nào nên sử dụng VPN ? Khi nào nên sử dụng Proxy?
Bạn nên sử dụng VPN khi:
- Có nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân cao.
- Cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên giao dịch với giá trị lớn.
- Muốn ẩn danh khi truy cập internet.
- Muốn vượt qua hạn chế địa lý để truy cập ứng dụng, website bị chặn.
- Làm việc từ xa.
- Muốn kết nối đến mạng công cộng.
- Có ngân sách chi trả cho dịch vụ VPN như Touch VPN, Nord VPN,…
Bạn nên sử dụng proxy khi:
- Chỉ cần truy cập một số trang web cụ thể để xem phim, nghe nhạc,…
- Muốn truy cập vào các website, ứng dụng bị chặn.
Có nên sử dụng Proxy miễn phí hoặc VPN miễn phí không?
Bạn có thể cân nhắc về việc sử dụng VPN Proxy free. Tuy nhiên cần biết rằng các dịch vụ proxy và VPN miễn phí thường đi kèm với rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư. Để có lợi nhuận, các nhà cung cấp dịch vụ này có thể thu thập dữ liệu cá nhân của bạn, hiển thị quảng cáo hoặc giới hạn băng thông sử dụng.
Trong khi đó các dịch vụ proxy, VPN trả phí đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, mã hóa cấp quân sự, mạng lưới máy chủ toàn cầu, hỗ trợ khách hàng 24/7 cũng như các tính năng nâng cao khác. Do đó để bảo vệ thông tin cá nhân và trải nghiệm internet an toàn, tốt nhất là bạn nên dùng Proxy hay VPN chất lượng ngay từ ban đầu.
Câu hỏi thường gặp
Proxy và VPN có thể giúp tôi bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng Wifi công cộng không?
Có, cả proxy và VPN đều có thể giúp bạn bảo vệ quyền riêng tư khi sử dụng Wifi công cộng trên . Cụ thể:
– Proxy: Giúp ẩn địa chỉ IP của bạn nhưng chỉ bảo vệ một phần lưu lượng truy cập.
– VPN: Mã hóa toàn bộ lưu lượng truy cập thông qua việc tạo một đường hầm an toàn, bảo vệ toàn diện trên tất cả các nền tảng Windows, Mac, Android, iOS,…
Có thể sử dụng proxy hoặc VPN để truy cập mạng nội bộ của công ty từ nhà không?
Bạn có thể sử dụng cả proxy và VPN để truy cập mạng nội bộ của công ty từ nhà. Trong đó, VPN thường được ưu tiên hơn vì cung cấp lớp bảo mật nâng cao và khả năng kết nối đến toàn bộ mạng nội bộ. Còn proxy có cách thiết lập đơn giản hơn nhưng thường chỉ giới hạn truy cập vào một số dịch vụ cụ thể.
Làm thế nào để biết proxy hoặc VPN của tôi đang hoạt động ổn định không?
Để biết proxy hoặc VPN đang hoạt động ổn định hay không, bạn có thể thực hiện các cách sau:
– Kiểm tra địa chỉ IP hiện tại của bạn có trùng với địa chỉ IP của proxy/VPN không.
– Kiểm tra tốc độ kết nối internet trước và sau khi bật proxy/VPN.
– Thử truy cập các trang web bị chặn xem có thành công không.
– Sử dụng công cụ chuyên dụng để kiểm tra.
Lời kết
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu xong về hai công cụ bảo mật trực tuyến phổ biến là proxy và VPN. Mỗi công cụ đều có những thế mạnh riêng và tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn một hoặc kết hợp cả hai để tăng cường bảo mật cho kết nối của mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!