Bên cạnh CPU, RAM, ổ cứng,… VRAM cũng là một thành phần quan trọng nhưng ít được quan tâm hơn trong cấu hình máy tính. Vậy VRAM là gì và dung lượng VRAM bao nhiêu là đủ để hiển thị hình ảnh mượt mà trên thiết bị của bạn? Hãy cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây!
VRAM là gì?
VRAM viết tắt của cụm từ Video Random Access Memory (Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên cho video) – là một loại bộ nhớ đặc biệt được tích hợp trên card đồ họa, chuyên dùng để lưu trữ dữ liệu hình ảnh và video đang hiển thị trên màn hình. Nói cách khác, VRAM hoạt động như một bộ nhớ chuyên dụng của card đồ họa và giúp GPU lưu trữ, xử lý thông tin hình ảnh nhanh chóng, mượt mà hơn so với việc lấy trực tiếp từ RAM như thông thường.
Tương tự như RAM và ổ cứng, VRAM có dung lượng càng cao thì khả năng xử lý đồ họa càng mạnh và tốc độ xử lý càng nhanh. Bạn cũng có thể trang bị nhiều loại VRAM với dung lượng khác nhau cho card đồ họa của mình, tùy theo nhu cầu sử dụng.
Một vài loại RAM phổ biến
Hiện nay có nhiều loại VRAM khác nhau, mỗi loại sở hữu ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp theo nhu cầu sử dụng cũng như ngân sách của người dùng. Nổi bật trong số đó có thể kể đến như:
- GDDR (Graphics Double Data Rate) VRAM: Loại VRAM phổ biến nhất, nổi tiếng với tốc độ truy cập nhanh và hiệu suất đồ họa cao. Trong đó, VRAM GDDR5, GDDR5X, GDDR6 và GDDR6X là những phiên bản tiêu biểu nhất.
- HBM (High Bandwidth Memory) VRAM: Mang đến giải pháp đột phá cho đồ họa máy tính, HBM sử dụng chip bộ nhớ thống nhất trên giao diện rộng, tối ưu hóa băng thông và tiết kiệm không gian. Nhờ vậy, HBM VRAM thường được trang bị cho các card đồ họa cao cấp.
- DDR (Double Data Rate) VRAM: Chia sẻ kiến trúc “kép dữ liệu” với RAM hệ thống, DDR VRAM có ưu điểm về giá thành nhưng hiệu suất đồ họa không bằng GDDR VRAM.
- HBM2 và HBM2E (High Bandwidth Memory 2): Là phiên bản cải tiến của HBM VRAM, HBM2 và HBM2E cung cấp băng thông lớn và hiệu năng vượt trội cho card đồ họa cao cấp và máy chủ.
- GDDR6X VRAM: Nổi bật với tốc độ truy cập cao và hiệu năng đồ họa ấn tượng gấp nhiều lần so với GDDR, VRAM GDDR6X là lựa chọn lý tưởng cho các card đồ họa gaming cao cấp.
- LPDDR (Low Power Double Data Rate) VRAM: Tối ưu hóa cho các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng, LPDDR VRAM tập trung vào tiết kiệm năng lượng và không gian.
- MDRAM (Multibank Dynamic RAM): Phát triển bởi MoSys, MDRAM mang đến hiệu năng cao với hệ thống được chia thành nhiều phần dung lượng 32 KB với quyền truy cập riêng lẻ. Ưu điểm của MDRAM là giá thành rẻ hơn và khả năng phân chia dung lượng RAM phù hợp cho từng độ phân giải hình ảnh.
- RDRAM (Rambus Dynamic RAM): Thiết kế độc quyền bởi Rambus, RDRAM sở hữu bus riêng biệt giúp tăng tốc độ luồng dữ liệu giữa VRAM và bộ đệm khung.
- SGRAM (Synchronous Graphics RAM): VRAM giá rẻ với khả năng đồng bộ hóa xung nhịp. Tuy là bộ nhớ một cổng nhưng SGRAM cũng có thể mở hai trang bộ nhớ cùng lúc để hoạt động như bộ nhớ cổng kép.
- WRAM (Window RAM): Cung cấp hiệu năng cao với cổng kép, băng thông rộng hơn 25% so với VRAM thông thường nhưng giá thành lại thấp hơn. WRAM hỗ trợ đọc dữ liệu hiệu quả, giúp hiển thị hình ảnh với độ phân giải cao và màu sắc chân thực.
Dung lượng của VRAM
Dung lượng VRAM càng lớn, hiệu suất card đồ họa càng cao. Dưới đây là một số mức dung lượng VRAM phổ biến và ứng dụng phù hợp với mỗi loại:
- VRAM 1 – 2GB: Dung lượng này vẫn mang lại hiệu suất xử lý ổn nhưng không phù hợp cho các trò chơi hiện đại với công nghệ mới. Đây là loại VRAM phù hợp cho nhu cầu chơi game cơ bản, đồ họa cũ hoặc xem phim, lướt web,… và không chỉnh sửa video hay thiết kế đồ họa.
- VRAM 3 – 6GB: Đáp ứng tốt nhu cầu chơi game phổ biến, chỉnh sửa video cơ bản, thiết kế 2D, 3D nhẹ. Tuy nhiên, dung lượng VRAM này có thể không phù hợp với một số tựa game nặng, yêu cầu đồ họa cao như Fallout 4.
- VRAM 8GB trở lên: Mang đến hiệu năng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu chơi game chuyên nghiệp, chỉnh sửa video 4K, thiết kế 3D phức tạp.
Công dụng của VRAM
- Lưu trữ dữ liệu hình ảnh: VRAM giữ vai trò là bộ nhớ video, hình ảnh mà bạn nhìn thấy trên màn hình. Chúng bao gồm thông tin chi tiết về màu sắc, độ phân giải và các yếu tố khác tạo nên hình ảnh.
- Hỗ trợ xử lý đồ họa phức tạp: VRAM đóng vai trò then chốt trong việc xử lý các tác vụ đồ họa đòi hỏi nhiều tài nguyên như chơi game hiển thị 3D, chỉnh sửa, render video độ phân giải cao hay sử dụng các phần mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp.
- Đảm bảo hiển thị mượt mà: Nhờ khả năng truy cập nhanh, VRAM cung cấp dữ liệu hình ảnh cần thiết một cách kịp thời cho GPU, đảm bảo tốc độ xử lý hình ảnh liên tục và không bị giật lag.
So sánh VRAM và RAM
Dưới đây là bảng so sánh chi tiết các yếu tố khác biệt giữa phần cứng đồ họa VRAM và RAM để giúp bạn phân biệt hai bộ phận này:
Đặc điểm | VRAM | RAM |
---|---|---|
Mục đích sử dụng | Xử lý các tác vụ liên quan đến đồ họa, lưu trữ dữ liệu hình ảnh đang hiển thị trên màn hình | Lưu trữ tạm thời dữ liệu, lệnh thực thi của hệ điều hành, duy trì hoạt động các chương trình |
Vị trí | Nằm trên card đồ họa hoặc GPU | Nằm trên mainboard, bo mạch chủ |
Tốc độ | Nhanh hơn (VRAM GDDR6 có tốc độ Bus từ 14.000 – 16.000 MHz) | Chậm hơn (RAM DDR4 có tốc độ Bus là 2133 MHz) |
Băng thông | Cao hơn | Thấp hơn |
Loại cổng | Cổng kép, hỗ trợ đọc ghi đồng thời | Cổng đơn |
Khả năng nâng cấp | Không thể nâng cấp do đã được hàn sẵn vào GPU | Có thể nâng cấp |
Cách chọn dung lượng VRAM phù hợp
Lựa chọn dung lượng VRAM bộ nhớ máy tính phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất xử lý đồ họa cho máy tính của bạn. Nếu lựa chọn sai có thể dẫn đến tình trạng treo máy khi thực hiện các tác vụ nặng hoặc hiệu năng không như mong đợi. Dưới đây là một số khuyến nghị cho từng nhu cầu sử dụng:
- Thiết kế 3D: Nên sử dụng VRAM từ 8GB đến 10GB để đáp ứng tốt yêu cầu xử lý đồ họa phức tạp trong các phần mềm thiết kế 3D.
- Dựng video và thiết kế: Dung lượng VRAM sử dụng trong thiết kế, dựng video tối thiểu nên là 6GB đến 8GB cho các tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên làm việc với video nặng, đòi hỏi hiệu năng cao, chất lượng hiển thị hình ảnh sắc nét thì hãy nâng cấp lên VRAM 16GB để đảm bảo mượt mà.
- Công việc phân tích: VRAM 10GB sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phân tích dữ liệu, đảm bảo hiệu suất xử lý nhanh và chính xác.
- Thiết kế đồ họa: Nên sử dụng VRAM từ 4GB đến 6GB cho các công việc thiết kế đồ họa thông thường.
Cách kiểm tra thông tin dung lượng của VRAM VGA
Chỉ với vài thao tác đơn giản dưới đây, bạn có thể dễ dàng kiểm tra thông tin VRAM card màn hình ngay trên Windows.
Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R, hoặc truy cập Start Menu và tìm kiếm với từ khóa “Run“. Sau đó nhập “dxdiag“.
Bước 2: Trong cửa sổ DirectX Diagnosis Tool, chuyển sang tab Display. Dòng Display Memory (VRAM) sẽ hiển thị dung lượng VRAM của card màn hình bạn đang dùng.
Nên chọn VRAM hay đồ họa tích hợp?
Đồ họa tích hợp là giải pháp đồ họa được tích hợp sẵn trên CPU hoặc mainboard, với hiệu năng đáp ứng tốt cho cho các tác vụ cơ bản như làm việc văn phòng, lướt web, xem phim và ứng dụng thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn cần hiệu suất đồ họa cao hơn cho nhu cầu chơi game, thiết kế đồ họa hay làm video, thì VRAM sẽ là lựa chọn tối ưu hơn.
Câu hỏi thường gặp
VRAM nằm ở đâu?
VRAM được tích hợp trực tiếp trên PCB (bo mạch in/bảng mạch in) của card đồ họa (GPU), giúp GPU truy cập dữ liệu nhanh hơn so với truy cập từ RAM hệ thống.
Cách tăng VRAM?
Có 2 cách để bạn có thể tăng VRAM:
Cách 1: Tăng VRAM thông qua BIOS
Khởi động lại máy, bấm liên tục F2, F5, F8 hoặc Del để vào BIOS.
Tìm menu Cài đặt đồ họa, Cài đặt video hoặc Dung lượng VGA, thường nằm trong Cấu hình nâng cao (Advanced Displays).
Chọn mức VRAM mong muốn (mặc định là VRAM 128MB), lưu cài đặt và khởi động lại máy tính.
Cách 2: Tăng VRAM qua Registry Editor
Nhấn tổ hợp phím Start + R, nhập regedit vào hộp thoại Run và nhấn OK.
Tìm mục HKEY_LOCAL_MACHINE > SOFTWARE > Intel > sau đó click chuột phải và chọn New > Key. Đặt tên cho key mới tạo là GMM.
Click chuột phải vào GMM, chọn New > DWORD (32-bit) Value và đặt tên cho giá trị mới là DedicatedSegmentSize.
Click đúp vào “DedicatedSegmentSize“, nhập giá trị VRAM mong muốn (0-512) và bấm OK.
Display Memory là gì?
Display Memory, hay còn gọi là VRAM (Video Random Access Memory), là một loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên chuyên dụng cho card đồ họa với chức năng lưu trữ dữ liệu hình ảnh và video đang được hiển thị trên màn hình máy tính.
Cách xem VRAM?
Bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau nếu muốn xem VRAM ở đâu, ngoài ra thì cách xem VRAM win 11 cũng tương tự:
Cách 1: Sử dụng công cụ DxDiag
Mở menu Start, nhập “dxdiag” và nhấn Enter. Sau đó chọn tab Display, dòng “Display Memory (VRAM)” hiển thị dung lượng VRAM của bạn.
Cách 2: Kiểm tra trong Settings
Mở Settings (Windows + I), chọn mục System > Display > Advanced display settings > Display adapter properties for Display 1. Dung lượng VRAM sẽ hiển thị tại “Dedicated Video Memory“.
Lời kết
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về VRAM là gì, vai trò và dung lượng cần thiết cho các nhu cầu sử dụng khác nhau. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn lựa chọn được card màn hình ưng ý nhất. Đừng quên chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích và để lại bình luận bên dưới nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào.