Hệ điều hành Linux có rất nhiều bản phân phối khác nhau cho người dùng sử dụng, mỗi bản lại có những ưu và nhược điểm riêng tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Hiện nay Linux có hai bản phân phối phổ biến nhất là Debian và Ubuntu. Trong bài viết này, Vietnix sẽ so sánh Debian và Ubuntu chi tiết dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau để người dùng có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với mình.
Debian là gì?
Debian là một trong những hệ điều hành dựa trên Linux lâu đời nhất hiện nay được phát hành lần đầu tiên vào năm 1993. Bản phân phối này nổi bật nhất nhờ tính ổn định và mã nguồn mở, đồng thời cũng là nền tảng vững chắc để phát triển ra nhiều hệ điều hành khác trong những năm gần đây.
Khái niệm về Ubuntu là gì?
Ubuntu hiện là hệ điều hành dựa trên Linux phổ biến nhất hiện nay, được phát triển và hỗ trợ độc quyền bởi công ty Canonical. Về bản chất thì Ubuntu được xây dựng dựa trên Debian nhờ vào sự ổn định và đơn giản của bản phân phối này. Vì vậy, cũng không bất ngờ khi Debian và Ubuntu có khá nhiều tính năng tương tự nhau.
Tuy nhiên, Ubuntu đang ngày càng trở nên phổ biến hơn với người dùng vì liên tục bổ sung, cải tiến các tính năng cho hệ điều hành. Đồng thời, công ty cũng tập trung nhiều vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng qua từng bản cập nhật.
Để thấy được sự khác biệt giữa Debian và Ubuntu mời bạn cùng tiếp tục tìm hiểu phần dưới đây nhé.
So sánh sự khác biệt giữa Debian và Ubuntu
Có thể thấy Debian và Ubuntu có khá nhiều điểm tương đồng: cả hai đều sử dụng hệ thống quản lý package APT, cài đặt thủ công bằng DEB, có cùng môi trường desktop mặc định (GNOME). Do đó giao diện và hầu hết các ứng dụng, tính năng mặc định của Debian và Ubuntu sẽ tương đối giống nhau.
1. Chu kỳ phát hành
Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa Debian và Ubuntu, đồng thời cũng là một tiêu chí quan trọng vì nhiều người dùng có nhu cầu cần được tiếp cận với các công nghệ và phiên bản mới thường xuyên.
Ubuntu có chu kỳ phát hành tương đối đơn giản: có hai phiên bản được phát hành hàng năm, và một phiên bản LTS (Hỗ trợ lâu dài) được cập nhật hai năm một lần, có tuổi thọ 5 năm kể từ ngày phát hành. Những bản phát hành này được đặt tên theo cấu trúc khá thú vị: Tính Từ + Tên động Vật. Chẳng hạn phiên bản mới nhất của Ubuntu có tên gọi là Focal Fossa.
Tham khảo chu kỳ phát hành của Ubuntu Bionic Beaver:
Mặt khác, Debian lại không có chu kỳ phát hành chính thức nào cả, nhưng chủ yếu là hai năm một lần. Các phiên bản được đặt tên dựa trên các nhân vật trong loạt phim Toy Story nổi tiếng. Chẳng hạn phiên bản gần đây nhất có tên là Buster.
Chu kỳ phát hành này có vẻ khá chậm đối với nhiều người dùng, tuy nhiên Debian vẫn cung cấp một bản phát hành thường xuyên là Debian Testing – phiên bản tương đối ổn định của Debian.
Ngoài ra, Debian cũng hỗ trợ bản Debian Unstable, được cập nhật thường xuyên hơn và đi kèm với nhiều tính năng mới nhất của hệ điều hành. Tuy nhiên, đúng theo tên gọi thì bản này thiếu đi sự ổn định và có thể hoạt động không thật sự hoàn hảo. Debian Unstable chủ yếu dành cho những người dùng muốn kiểm tra trước bản phát hành.
2. Độ ổn định
Như đã đề cập ở trên, chu kỳ phát hành của Ubuntu tương đối đều đặn, và các bản cũng có độ ổn định khá tốt và ít gặp lỗi hơn. Ubuntu phù hợp nhất với những người dùng cá nhân, và nếu chẳng may hệ thống gặp trục trặc thì cũng hạn chế việc lỗi lan rộng trên toàn bộ hệ thống.
Mặt khác, Debian nổi bật nhất với sự ổn định gần như là tuyệt đối. Nếu bạn không cần sử dụng một hệ thống được cập nhật thường xuyên mà hướng đến sự ổn định và nhất quán, thì Debian chắc chắn là một lựa chọn hợp lý. Do đó, hệ điều hành Debian được tin dùng nhiều hơn trong các server hay hệ thống lớn. Bên cạnh đó, ta cũng hoàn toàn có thể sử dụng bản Debian Testing nếu cần sử dụng nhiều tính năng mới nhất của hệ điều hành.
3. Phát triển
Debian là bản phân phối hoàn toàn hướng đến cộng đồng, được phát triển và bảo trì bởi các developer từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, hệ điều hành này luôn đảm bảo được tính liên tục. Nếu có bất kỳ developer nào rời khỏi dự án thì vẫn sẽ có một người khác nhanh chóng thế chỗ để tiếp tục duy trì dự án. Bên cạnh đó, hệ điều hành Debian cũng hoàn toàn miễn phí và được kiểm soát tập trung. Đến đây chắc bạn đọc cũng dễ hiểu vì sao Debian lại không ấn định một chu kỳ phát hành chính thức nào.
Ngược lại, Ubuntu được phát triển và duy trì bởi một công ty riêng là Canonical. Vì vậy, Ubuntu có chu kỳ phát hành cố định, có hệ thống hỗ trợ chính thức và hỗ trợ nhiều phần mềm/phần cứng chuyên dụng. Tuy nhiên, cũng vì được quản lý bởi công ty nên Ubuntu hoàn toàn có thể “biến mất” vào một ngày nào đó.
Vì vậy, Linux Mint cũng đã bắt đầu triển khai một dự án song song với tên gọi LMDE (Linux Mint Debian Edition), được xây dựng dựa trên Debian.
4. Repository phần mềm
Ubuntu có một kho lưu trữ phần mềm khá phong phú, chủ yếu nhờ vào sự phổ biến của hệ điều hành này. Ngoài ra, Ubuntu cũng có tính năng PPA (Kho lưu trữ cá nhân), cho phép thêm repository bổ sung vào hệ thống của người dùng. Rất nhiều nhà quản lý dự án sử dụng PPA để người dùng có thể cài đặt các phần mềm của mình.
Bên cạnh đó, Canonical cũng đang bắt đầu triển khai Snapcraft, có vai trò như một nền tảng cài đặt và xuất bản ứng dụng trung tâm cho các bản phân phối của Linux. Theo lý thuyết thì Snapcraft hỗ trợ mọi bản phân phối Linux, nhưng hiện chỉ hoạt động tốt nhất trên các bản phân phối dựa trên Ubuntu.
Đặc biệt hơn, Ubuntu còn cung cấp nhiều phần mềm độc quyền trong các repository, bao gồm cả các driver phần cứng của công ty. Việc này giúp bổ sung thêm nhiều tính năng và bổ trợ phần cứng, tuy nhiên phần lớn người dùng không quan tâm đến các phần mềm độc quyền này.
Mặt khác, Debian chỉ có các phần mềm miễn phí và mã nguồn mở trong repository. Các phần mềm này có thể xem là “đủ dùng” cho hầu hết những người dùng cá nhân. Ngoài ra, ta cũng hoàn toàn có thể thể repository chứa phần mềm độc quyền nếu cần.
5. Hiệu suất hệ thống
Cả Debian và Ubuntu đều hoạt động tốt và linh hoạt trên hầu hết các phần cứng. Tuy nhiên, Ubuntu đi kèm với nhiều phần mềm và tính năng hơn; còn Debian thì chỉ cài đặt sẵn một vài phần mềm cần thiết.
Vì vậy, Debian tối giản và có hiệu năng nhỉnh hơn so với Ubuntu. Người dùng Ubuntu vẫn có thể uninstall bớt các phần mềm không cần thiết để cải thiện hiệu năng hệ thống, nhưng cần phải hiểu rõ vai trò của từng phần mềm để tránh các hậu quả không mong muốn.
6. Gaming
Các gamer thường phải tiếp cận với các driver, phần mềm và phần cứng mới nhất, được cập nhật thường xuyên – và sự lựa chọn lý tưởng nhất chắc chắn là Ubuntu. Mặc dù Debian vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu này, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra. Mặt khác, Ubuntu hỗ trợ nhiều package độc quyền đi kèm với các driver đồ họa cần thiết cho gaming.
Ngoài ra, các gamer dường như cũng đã quen thuộc với Ubuntu hay các bản phân phối khác như Pop!_OS, với khả năng hỗ trợ phần cứng và phần mềm vô cùng xuất sắc.
7. Cài đặt
Debian sử dụng Debian Installer (dựa trên nCurses) để cài đặt hệ thống, còn Ubuntu thì sử dụng công cụ Ubiquity. Cả hai đều cung cấp giao diện đồ họa trực quan, nhưng Debian có nhiều tùy chọn hơn so với trình cài đặt của Ubuntu. Ngoài ra thì cả hai công cụ đều hỗ trợ nhiều tài liệu hướng dẫn chi tiết trên internet.
8. Mục đích sử dụng
Bên cạnh việc phân tích sự khác nhau giữa Debian và Ubuntu, người dùng vẫn nên hiểu rõ được mục đích sử dụng của từng bản phân phối vì mỗi hệ điều hành của Linux đều nhắm đến một số đối tượng người dùng nhất định.
Trước hết, Ubuntu là bản phân phối khá đa dạng, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Ubuntu hỗ trợ nhiều phần mềm cho developer, gamer, designer, hay là cả những người dùng với nhu cầu sử dụng đơn giản như đọc báo, xem phim,… Ngoài ra, Ubuntu cũng có thể dễ dàng được tùy chỉnh để phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.
Mặc dù Debian cũng có thể được tùy chỉnh tùy theo từng đối tượng, nhưng bản phân phối này vẫn chủ yếu tập trung vào một vài nhóm người dùng đặc thù. Cụ thể, Debian đặc biệt phổ biến đối với các developer, chủ yếu nhờ vào nền tảng vô cùng ổn định của mình. Tuy nhiên Debian lại tương đối khó sử dụng đối với những người mới bắt đầu.
9. Môi trường desktop
Ngoài những yếu tố trên, Debian và Ubuntu còn khác nhau ở môi trường desktop. Debian cung cấp khá nhiều tùy chọn môi trường desktop (DE) cho người dùng. Ta có thể kiểm tra trang ISO của bản phát hành mới nhất của Debian (Buster) tại đây. Các DE được cung cấp là GNOME, Cinnamon, Xfce, KDE, MATE, LXDE, LXQt và “Standard” – bản Debian nhưng không có giao diện đồ họa. DE mặc định của Debian hiện là GNOME.
Bên cạnh bản Standard, người dùng vẫn hoàn toàn có thể cài đặt bất kỳ DE nào không có trong danh sách chính thức.
Thay vì cung cấp nhiều DE cho cùng một bản phân phối, Ubuntu có nhiều tên khác nhau cho từng DE. Chẳng hạn, Ubuntu với KDE được gọi là Kubuntu, Ubuntu với Xfce được gọi là Xubuntu,…
Câu hỏi thường gặp
1. Sự khác biệt giữa Ubuntu và Debian là gì?
Ubuntu và Debian rất giống nhau, nhưng chúng cũng có một số khác biệt lớn.
Ubuntu hướng tới sự thân thiện với người dùng hơn và mang lại cảm giác doanh nghiệp hơn. Mặt khác, Debian quan tâm nhiều hơn đến quyền tự do và tùy chọn phần mềm.
2. Ubuntu hay Debian nền tảng nào tốt hơn?
Nói chung, Ubuntu được coi là lựa chọn tốt hơn cho người mới bắt đầu và
Debian là lựa chọn tốt hơn cho các chuyên gia. Với các chu kỳ phát hành của hai nền tảng này, Debian được coi là một bản phân phối ổn định hơn so với Ubuntu.
Điều này là do Debian (Ổn định) có ít bản cập nhật hơn, được kiểm tra kỹ lưỡng và thực sự ổn định.
3. Debian có nhẹ hơn Ubuntu không?
Debian là một hệ thống rất nhẹ và siêu nhanh.
Vì Debian chỉ có mức tối thiểu và không được đóng gói hoặc đóng gói sẵn với phần mềm và tính năng bổ sung, đó chính là lý do làm Debian siêu nhanh và nhẹ hơn Ubuntu. Và điều khác biệt giữa hai hệ thống này là Ubuntu có thể kém ổn định hơn Debian.
Lời kết
Cả Debian và Ubuntu đều là những bản phân phối vô cùng mạnh mẽ và phổ biến với người dùng Linux. Mặc dù có giao diện mặc định tương đối giống nhau, các tính năng của từng hệ điều hành lại nhắm đến mỗi đối tượng người dùng riêng biệt. Việc lựa chọn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: mã nguồn mở, tính ổn định, tính năng, hỗ trợ phần cứng/phần mềm,… Hy vọng qua bài viết trên, bạn có thể thấy được sự khác biệt giữa Debian và Ubuntu và lựa chọn cho mình hệ điều hành phù hợp nhất. Chúc bạn thành công.