Hiện nay, RPA (Robotic Process Automation) đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tối ưu quy trình hoạt động và cắt giảm tối đa chi phí, nguồn lực. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu RPA là gì và một số lưu ý mà doanh nghiệp cần phải nắm rõ khi triển khai công nghệ này.
RPA là gì?
RPA (viết tắt của Robotic Process Automation) được hiểu là tự động hóa quy trình bằng robot – một công nghệ tự động hóa quy trình hoạt động kinh doanh được phát triển dựa trên trên nền tảng trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence (AI) hoặc các robot phần mềm.
RPA bao gồm các công nghệ, phần mềm có khả năng thay thế con người thực hiện một số công việc có tính chất lặp đi lặp lại theo từng chu kì. Chẳng hạn thay thế một nhân viên văn phòng làm các công việc tương tự nhau mỗi ngày như truy xuất dữ liệu từ hệ thống của công ty, nhập thông tin vào hệ thống theo một biểu mẫu nhất định,…
Thay vì phải dành công sức để làm những công việc nhàm chán, mất thời gian trên, doanh nghiệp có thể triển khai và áp dụng RPA để tạo nên quy trình tự động, từ đó tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu chi phí, nguồn lực. Không chỉ thế, RPA còn cải thiện tốc độ làm việc với độ chính xác cao hơn, tránh những sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập liệu, đồng thời cho phép người dùng theo dõi, đánh giá và nâng cấp nếu cần.
RPA hoạt động dựa trên danh sách các hành động được thực hiện bởi người dùng trên giao diện đồ họa GUI (Graphical User Interface), sau đó ghi nhớ và lặp lại một cách tự động. Qua đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng quy trình tự động hóa cho cả những ứng dụng không cung cấp API hoặc giao diện lập trình ứng dụng cho mục đích tự động hóa.
Ngoài tự động hóa quy trình bằng robot cũng còn có các công nghệ tự động hóa giúp triển khai ứng dụng từ môi trường làm việc sang môi trường production. Để tìm hiểu thêm bạn có thể tham khảo các bài viết tại Vietnix.
Ưu điểm khuyết điểm của RPA
Không thể phủ nhận rằng RPA mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bất cứ một công nghệ nào cũng đều sẽ có những ưu điểm – nhược điểm riêng. Dưới đây là các ưu – nhược điểm của RPA mà bạn có thể tham khảo:
Ưu điểm
- Hỗ trợ doanh nghiệp phân bổ, sử dụng nhân sự hiệu quả: RPA có khả năng thay thế con người làm những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, gây mất thời gian nhưng không tạo được nhiều giá trị, từ đó doanh nghiệp có thể tập trung phân chia các công việc quan trọng hơn.
- Độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian, chi phí: RPA thực hiện các công việc theo trình tự nhất định với độ chính xác cao, từ đó hạn chế sai sót, nhầm lẫn trong quá trình làm việc. Đặc biệt, công nghệ này có thể hoạt động xuyên suốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực cho doanh nghiệp.
- Độ bảo mật cao, hiệu suất lớn: RPA được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng bởi độ bảo mật cao và khả năng tính toán, làm việc nhanh chóng, thậm chí chỉ cần 2 – 3 giây để hoàn thành một nghiệp vụ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động: Bằng cách tối ưu hóa quy trình làm việc với RPA, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian, nguồn lực để bắt đầu chuyển đổi mô hình để tăng trưởng quy mô và doanh thu.
- Tính ứng dụng cao: Một bot có thể được ứng dụng cho nhiều nghiệp vụ khác nhau chứ không đơn thuần bị gói gọn trong bất kỳ nghiệp vụ nào.
Khuyết điểm
Trong một số trường hợp, RPA có thể xảy ra lỗi và vẫn cần có nhân sự đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn, phát hiện và khắc phục lỗi để đảm bảo quá trình làm việc được xuyên suốt và liên tục.
Khi thiết lập bot, bạn nên xác định trước những lỗi có thể xảy ra và lập trình cho bot tự sửa chữa khi gặp sự cố, hoặc yêu cầu bot báo lỗi đang gặp phải để user kịp thời khắc phục.
Chẳng hạn như trong trường hợp của một số ngân hàng, khi bạn đưa dữ liệu là âm thanh hoặc văn bản viết tay vào hệ thống, công nghệ RPA khó có thể xác định chính xác nội dung chứa trong dữ liệu. Bởi vì bot được thiết kế để làm việc theo một khuôn mẫu, quy trình nhất định và bot không thể nhận diện được dữ liệu khác biệt so với mẫu sẵn.
Khi đó, bạn cần phải có sự can thiệp bằng cách sử dụng AI để tiến hành nhận diện chữ viết, giọng nói, hoặc yêu cầu người dùng thực hiện theo khuôn mẫu đã đề ra ban đầu.
Ví dụ: Người dùng chỉ được chấm điểm từ 1 – 10 trong cuộc gọi tự động hoặc trả lời Có – Không,…
Ngoài RPA giúp doanh nghiệp tối ưu về vấn đề nhân sự, thời gian, quy mô và năng suất. Ngoài những tính năng trên, bạn cũng cần có một công cụ để có thể quản lý khách hàng một cách tự động hóa, giúp doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, bạn có thể tham khảo tại trang web Vietnix.vn!
Điểm khác nhau giữa RPA và Automation truyền thống
Về bản chất, cả RPA hay Automation truyền thống đều là công nghệ tự động hóa, có khả năng thay thế con người làm những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại.
Tuy nhiên, Automation truyền thống có nhiều điểm hạn chế hơn so với RPA. Automation truyền thống đòi hỏi sự tích hợp nâng cao ở cấp độ database (cơ sở dữ liệu) hoặc Back-end (cơ sở hạ tầng) và người dùng cần đến hàng tháng liền để có thể triển khai sử dụng. Trong khi RPA lại được sử dụng ở mặt Front-end và công nghệ này cho phép người dùng tương tác trực tiếp trên giao diện.
Bên cạnh đó, tự động hóa truyền thống còn có nhiều điểm hạn chế khác như: Tốn thời gian tìm hiểu về back-end, database của website, yêu cầu code nhiều trong thời gian dài nhưng lại chỉ sử dụng được cho một trang web,…
Để rõ hơn về sự khác nhau giữa RPA và tự động hóa truyền thống, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bảng sau:
RPA | Automation truyền thống | |
---|---|---|
Mức độ phụ thuộc vào Back-end và database | Không phụ thuộc | Phụ thuộc |
Mức độ phụ thuộc vào trang web | Cho phép tích hợp với hầu hết các trang web sử dụng unstructured data, nhưng người dùng cần phải kết hợp sử dụng AI (hybrid bot) để đảm bảo hiệu suất và độ chính xác tối đa. | Chỉ cho phép tích hợp trong một trang web được cấp quyền truy cập. |
Thao tác bot | Tự động hóa các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, được thiết kế dựa trên một quy trình, khuôn mẫu nhất định và hoàn thành các nhiệm vụ bằng cách bắt chước hành động của con người. | Tự động hóa các thao tác lập trình được xác định từ trước, nhưng không có khả năng bắt chước các hành động, tác vụ của con người. |
Cấp độ code yêu cầu | Không yêu cầu nhiều code (low-code) | Yêu cầu code nhiều (heavy code). |
Chi phí implement | Tốn kém trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng về lâu dài lại giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tiết kiệm thời gian và effort trong công việc. | Ít tốn kém ở giai đoạn đầu nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và nhân sự để triển khai sử dụng. |
Bảo trì (Maintenance) | Cho phép người dùng cập nhật các process một cách dễ dàng. | Nếu muốn bảo trì và cập nhật Automation truyền thống, người dùng cần thay đổi code và quá trình này phức tạp hơn rất nhiều so với RPA. |
Thích hợp với những mô hình/ trang web nào | Phù hợp với các giao diện Front-end không thường xuyên thay đổi. Trong đó, bot của công nghệ này sẽ làm việc ở level UI và tương tác với vai trò của một người dùng. | Phù hợp với các giao diện phức tạp, hay thay đổi. Lý do là vì Automation tác động đến tầng sâu hơn (back-end) và trở thành một active automation của hệ thống. |
Giấy phép sử dụng | Cần phải mua giấy phép theo tháng hoặc theo năm tùy nhu cầu sử dụng. | Không bắt buộc. |
Điểm khác nhau giữa AI, Machine Learning và PRA là gì?
Điểm khác biệt giữa AI, Machine Learning và PRA là:
RPA | AI và Machine Learning | |
---|---|---|
Định nghĩa | RPA là một công nghệ robot có khả năng bắt chước giống hệ các hành động của con người để hoàn thành những nghiệp vụ mang tính chất lặp đi lặp lại. | AI là công nghệ mô phỏng trí thông minh của con người trong máy móc, được lập trình để suy nghĩ và hành động như con người. |
Hoạt động | RPA hoạt động đúng theo các tác vụ, quy tắc đã đặt ra từ đầu. | AI hoạt động dựa trên quy tắc “tư duy” – “học hỏi”. |
Hướng thiết kế phát triển | Thiết kế phát triển dựa trên quy trình (Process-driven). | Thiết kế phát triển dựa trên dữ liệu (Data-driven). |
Dữ liệu | Dữ liệu cần được cấu trúc, nếu data khác đi bot có thể bị lỗi. Khi đó, đội ngũ phát triển cần phải dự đoán trước input – output chính xác để hạn chế lỗi. | AI và Machine Learning không dựa trên quy trình nào cả (free time data). Công nghệ này có khả năng tự dự đoán bước tiếp theo trong quy trình và đưa ra quyết định tự động dựa trên input người dùng. |
Bot | Bot RPA chỉ có khả năng xử lý các tác vụ có quy trình lặp đi lặp lại. | Bot AI có khả năng tự học, tự phát hiện lỗi hay gian lận. |
Tích hợp | RPA có thể tích hợp Machine Learning vào trong quy trình hoạt động, chẳng hạn như: xử lý dữ liệu chữ viết, âm thanh bằng AI để nâng cao độ chính xác, sau đó lại dùng RPA để thực hiện các công việc tiếp theo. | Vẫn hoạt động tốt với hiệu suất và độ chính xác cao mà không cần tích hợp với RPA. |
Khả năng tương tác với con người | Mặc dù RPA được thiết kế và xây dựng theo một quy trình có sẵn, nhưng công nghệ này vẫn chưa có khả năng tự đưa ra quyết định nên vẫn cần phải đặt dưới sự quản lý, giám sát của con người. | AI và Machine Learning có thể tự động sử dụng data và các thuật toán để hiểu được tính năng cũng như cách thức làm việc của con người. Vậy nên, khi sử dụng công nghệ này, bạn không cần phải giám sát quá trình hoạt động của chúng. |
Thời gian phát triển | RPA thường được triển khai để thay thế các tác vụ đơn giản, vì thế bạn sẽ không cần tốn quá nhiều thời gian, công sức để phát triển công nghệ này. Thời gian bình quân thường là 1 – 2 tháng, nếu phát triển sâu hơn thì từ 3 – 4 tháng. | AI và Machine Learning có độ khó và độ phức tạp cao nên sẽ đòi hỏi nhiều thời gian phát triển hơn, thời gian có thể kéo dài hơn 4 – 5 năm. |
Các loại RPA hiện nay
Hiện nay, các doanh nghiệp thường triển khai một số loại RPA sau như:
- Robot có giám sát (Attended robot): Loại robot này cần có người giám sát, điều khiển để đảm bảo quá trình vận hành diễn ra một cách thuận lợi, không phát sinh lỗi.
- Robot không giám sát (Unattended robot): Loại robot này chỉ yêu cầu người dùng thiết lập trước thời gian chạy và khi hoạt động sẽ không cần đến sự giám sát, kiểm tra của con người.
- Robot linh hoạt (Hybrid robot): Đây là loại robot là sự kết hợp giữa hai loại Unattended robot và Attended robot nên sẽ sở hữu ưu điểm của cả hai loại robot kể trên. Tuy nhiên, trên thực tế thì loại robot này lại không được sử dụng rộng rãi vì khó tích hợp vào các quy trình chuẩn.
Ngoài sử dụng các loại robot RPA có khả năng tự động giám sát, điều khiển hay thiết lập các yêu cầu của người dùng. Bạn có thể tham khảo một số công cụ robot có khả năng hỗ trợ giao dịch, nó có thể giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp của bạn.
Sử dụng RPA mang đến lợi ích gì?
RPA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như:
- Giúp doanh nghiệp phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, tối ưu.
- Cải thiện năng suất làm việc.
- Tối ưu chi phí, thời gian và nguồn lực.
- Độ chính xác cao, ít xảy ra sai sót, nhầm lẫn trong quá trình hoạt động.
- Linh hoạt, dễ sử dụng, cho phép người dùng theo dõi, đánh giá và nâng cấp khi cần thiết.
- Độ bảo mật cao, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô trong tương lai.
Thách thức khi dùng RPA là gì?
Bên cạnh những lợi ích nổi bật trên, các doanh nghiệp sẽ đối diện với những thách thức sau khi bắt đầu triển khai RPA vào quy trình hoạt động của công ty:
- Tốn kém chi phí đầu tư ban đầu.
- Đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được các quy trình chuẩn.
- Đội ngũ triển khai RPA phải có trình độ chuyên môn và sự am hiểu sâu rộng.
- Cần có một quá trình lâu dài để triển khai và đánh giá hệ thống.
- Còn hạn chế về khả năng tương thích nên sẽ khó để tích hợp với các hệ thống khác của doanh nghiệp.
RPA được ứng dụng như thế nào?
Hiện nay, RPA đang được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp.
Về mục tiêu của RPA
Công nghệ RPA được phát triển với mục đích mang lại những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai và sử dụng, cụ thể là:
Cải thiện về mặt năng suất
Bot giúp người dùng nâng cao năng suất làm việc. Cụ thể, bot sẽ thực hiện các công việc một cách nhanh chóng với độ chính xác cao. Trong khi đó, nếu giao công việc tương tự cho con người, bạn có thể mất hàng giờ liền chỉ để tìm lỗi và khắc phục. Điều này gây mất thời gian, công sức của cả nhân sự lẫn doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp mở rộng quy mô, việc sở hữu một con bot đã phát triển từ trước giúp doanh nghiệp không cần phải thực hiện và triển khai lại các task cũ một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Cải thiện chất lượng nhân lực
RPA giúp doanh nghiệp xử lý các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại với số lượng lớn, người thực hiện công việc thường không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, số lượng nhân sự cần để thực hiện hết lượng việc trên lại chiếm phần đông, trong khi giá trị mà công việc đó tạo ra cho doanh nghiệp lại vô cùng nhỏ. Khi đó, doanh nghiệp có thể triển khai RPA và phân bổ nhân sự làm những công việc đòi hỏi chất xám nhiều hơn.
Cải thiện chi phí
RPA có thể thay thế công việc của hàng chục, thậm chí là hàng trăm nhân sự. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí lớn để chi trả cho nhân viên trong thời gian dài.
Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ thật sự đáng kể đối với các doanh nghiệp có mô hình, quy trình hoạt động liên tục, ít thay đổi và thời gian tính theo từng năm. Ngược lại, những doanh nghiệp thường xuyên thay đổi quy trình không nên triển khai mô hình này vì khá tốn kém.
PRA được ứng dụng nhiều lĩnh vực
Hiện nay, RPA được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chẳng hạn như xuất nhập khẩu, sản xuất, viễn thông, bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng,…
Trong đó, ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung là ngành nghề áp dụng RPA nhiều nhất. Bởi lẽ, hầu hết các tổ chức này đều đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số và họ cần có một công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, cắt giảm các đầu việc không quá quan trọng để tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức và nhân sự.
Ví dụ:
– Trong ngành chứng khoán, nhà đầu tư thường sử dụng bot để được thông báo khi giá chạm một mức nào đó, chẳng hạn như mức giá cắt lỗ. Khi giá thị trường đến ngưỡng đó, bot sẽ gửi thông tin, email hoặc SMS tự động cho nhà đầu tư để họ kịp thời thực hiện các lệnh phù hợp. Đây là một hình thức Unattended RPA khá điển hình hiện nay.
– Trong ngành ngân hàng, khách hàng chỉ cần đăng nhập thông tin trên website, ứng dụng của ngân hàng để trích xuất báo cáo họ cần thay vì phải gửi thông tin đăng nhập để ngân hàng xuất sao kê như trước đây.
– Trên các sàn thương mại điện tử, người bán không cần phải nhập thủ công từng sản phẩm mà chỉ cần đưa file Excel vào để hệ thống tự động trích xuất dữ liệu, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức cho người bán.
Khi nào nên chọn và phát triển RPA
Mặc dù RPA có khá nhiều ưu điểm và lợi ích, nhưng không phải bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân hay mô hình kinh doanh nào cũng nên áp dụng công nghệ này. Bởi lẽ, mỗi loại hình sẽ phù hợp với một công nghệ riêng, bạn chỉ nên triển khai và sử dụng RPA khi đáp ứng 2 tiêu chí sau:
- Bạn tiết kiệm được chi phí vì giá trị của bot cao hơn so với mức lương bạn phải chi trả cho nhân sự.
- RPA thay thế cho các công việc có tính chất lặp đi lặp lại với số lượng lớn.
Để so sánh chi phí cho bot với chi phí trả lương cho nhân sự, bạn có thể tham khảo cách tính chi phí bot như sau:
- Chi phí cho Control Room: Không có chi phí vĩnh viễn mà bạn phải trả khoảng 10.000 $/năm (hoặc mỗi tháng tùy theo nhu cầu riêng).
- Chi phí phát triển về mặt công cụ: 300 – 400$ trong suốt quá trình phát triển.
- Chi phí thiết kế một con bot: Cần nhân sự ở trình độ Junior Developer (lương cơ bản từ 12 – 13 triệu/tháng), thời gian thiết kế là 3 – 4 tháng, bạn có thể tính bằng cách nhân số tiền lương với thời gian thiết kế và số lượng nhân sự cần thiết.
Tùy vào độ phức tạp mà một con bot có thể thay thế được số lượng nhân sự như:
- Mức độ phức tạp thấp: Thay thế 1 – 2 nhân sự.
- Mức độ phức tạp trung bình: Thay thế 5 – 7 nhân sự.
- Mức độ phức tạp cao: Thay thế hàng chục – hàng trăm nhân sự.
Mức độ phức tạp của bot sẽ được quyết định bởi mức độ phức tạp của nghiệp vụ cần triển khai, thay thế và mức độ phức tạp của quá trình phát triển (công cụ, môi trường và nguồn lực phát triển). Trong đó, một nghiệp vụ có quy trình thực hiện đơn giản, nhưng số lượng công việc cần hoàn thành lớn thì cũng được xem là có độ phức tạp cao.
Qua đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng ước tính, cân nhắc giữa các chi phí và đưa ra quyết định cuối cùng là có nên đầu tư cho bot hay không.
Làm thế nào để phát triển RPA
Để phát triển RPA, bạn cần nắm rõ quy trình hoạt động phát triển và công cụ giúp RPA phát triển, cụ thể là:
Quy trình hoạt động phát triển của RPA
Tương tự quy trình phát triển các tính năng khác, bạn cần phải thực hiện các việc làm sau để phát triển bot RPA:
- Bước 1: Xác định mục tiêu và vấn đề cần giải quyết bằng bot RPA.
- Bước 2: Làm rõ yêu cầu và xác định các tác vụ cũng như các tính năng cần có của bot.
- Bước 3: Phân tích yêu cầu và lấy thông tin (input, output) từ các nguồn liên quan.
- Bước 4: Thực hiện nghiệp vụ và phân tích nghiệp vụ để xác định các công việc có thể sử dụng bot RPA, từ đó đưa ra quyết định có nên triển khai bot hay không.
- Bước 5: Viết PDD (Process Definition Document) – một tài liệu mô tả chi tiết quy trình kinh doanh và các yêu cầu của bot.
- Bước 6: Viết SDD (Solution Design Document) – một tài liệu thiết kế cấu trúc chi tiết cho bot RPA để gửi cho các bên liên quan xét duyệt.
- Bước 7: Test thử xem output đã đạt yêu cầu đặt ra hay chưa.
- Bước 8: Sau khi test thử và nhận thấy mọi thứ đều ổn, bạn cần phải bắt đầu deploy lên Control Room.
- Bước 9: Theo dõi hiệu suất của bot để đưa ra các phương án cải thiện.
- Bước 10: Truyền đạt cho khách hàng các kiến thức cần thiết để họ có thể vận hành, kiểm tra, nắm rõ input/output,… và sử dụng bot một cách hiệu quả nhất.
Công cụ giúp RPA phát triển
Nếu bạn muốn triển khai RPA, bạn cần phải có giấy phép hoặc công nghệ của một nhà cung cấp nền tảng này. Bạn có thể tham khảo 4 nhà cung cấp nổi tiếng sau:
- UIPath: Hỗ trợ tự động hóa nghiệp vụ ở tầm nhỏ đến tầm trung, nhưng UI lại khá phức tạp. Nếu người dùng triển khai kết hợp cùng lúc nhiều quy trình sẽ dễ bị rối và gây ra lỗi. Hiện nay, CMC Global đang sử dụng license/partner của nhà cung cấp này.
- Automation Anywhere: Hỗ trợ tự động hóa nghiệp vụ thuộc tầm trung đến tầm lớn.
- Blue Prism: Hỗ trợ tự động hóa nghiệp vụ tầm lớn cỡ enterprise. Hiện nay, nhà cung cấp này khá nổi tiếng ở nước ngoài vì khả năng xử lý các nghiệp vụ mang tính chất phức tạp với quy mô lớn.
- Microsoft Power Automate: Thuộc hệ sinh thái của Microsoft nên người dùng có thể kết hợp với các ứng dụng được cung cấp bởi Microsoft. Microsoft Power Automate phù hợp với những doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ Microsoft (chẳng hạn như Sharepoint) hoặc các doanh nghiệp đang triển khai ecosystem (hệ sinh thái) được cung cấp bởi Microsoft.
Câu hỏi thường gặp
RPA là gì?
RPA (Robotic Process Automation) là tự động hóa quy trình bằng robot, được sử dụng để thay thế con người thực hiện các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, đồng thời cho phép doanh nghiệp phân bổ nhân sự một cách phù hợp và tối ưu nhất.
Lợi ích của RPA là gì?
– Phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả và hợp lý.
– Cải thiện hiệu suất làm việc.
– Tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực.
– Ít sai sót, độ chính xác cao.
– Dễ sử dụng, độ linh hoạt cao.
– Cho phép người dùng theo dõi, đánh giá và nâng cấp.
– Giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô về sau.
– Độ bảo mật cao.
Lời kết
Như vậy, bài viết trên đã làm rõ RPA là gì? Và một số lưu ý cần biết khi doanh nghiệp triển khai RPA. Có thể nói rằng, RPA sẽ trở thành công cụ đắc lực trong việc tối ưu hóa quy trình làm việc cho doanh nghiệp, nhưng bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích, giá trị và chi phí để quyết định có nên áp dụng công nghệ này hay không. Cuối cùng, đừng quên chia sẻ bài viết để mọi người cùng tham khảo bạn nhé.