Alpine Linux chắc chắn là một lựa chọn không thể bỏ qua nếu bạn đang tìm kiếm một bản Linux distro gọn nhẹ, tối ưu tốt về tài nguyên hệ thống. Bài viết này sẽ review và hướng dẫn cách cài đặt Alpine Linux từ A-Z.
Alpine Linux là gì?
Alpine Linux là một bản phân phối Linux (Linux distro) hướng đến sự tối giản trong thiết kế, giảm tối đa tài nguyên và dung lượng tiêu thụ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống. File cài đặt mặc định của Alpine Linux chỉ có kích thước vỏn vẹn 133MB, có thể dễ dàng được ghi vào CD-R.
Alpine Linux sử dụng một phương pháp gọi là “thực thi không phụ thuộc vị trí” để thiết lập ngẫu nhiên vị trí của các chương trình trong bộ nhớ. Khi đó, các hacker sẽ rất khó khai thác những lỗ hổng trong bộ nhớ.
Bên cạnh đó, cấu hình của bản Linux distro này cũng được tối giản, có kích thước nhỏ gọn nhờ các bộ công cụ tích hợp trong BusyBox. Với kích thước nhỏ gọn của mình, bản phân phối này đặc biệt phù hợp với những hệ thống có cấu hình thấp hoặc chạy trong các container như Docker.
Cách cài đặt Alpine Linux
Alpine Linux cũng có cách cài đặt tương tự như những bản phân phối Linux khác: download file cài đặt, chuyển thành phương tiện cài đặt muốn sử dụng rồi reboot lại máy. Quá trình cài đặt Alpine tương đối nhanh gọn và đơn giản, ngoài ra ta cũng sẽ cài đặt trong console của Linux chứ không có giao diện đồ họa.
Trước tiên, bạn đọc có thể download image cài đặt phù hợp với hệ thống của mình trên trang chủ của Alpine. Bản Standard phù hợp với hầu hết người dùng và có sẵn nhiều package phổ biến. Bản Extended thường dành cho những thiết bị chuyên dụng (như router), ít khi được cập nhật và cung cấp nhiều package hơn bản Standard.
Ngoài ra còn một bản Netboot nếu muốn cài đặt hệ thống tối giản nhất có thể. Bản này chỉ cần boot và kết nối đến mạng, mọi package khác đều phải tự download và cài đặt. Phiên bản này phù hợp nhất với những người dùng muốn tùy chỉnh hệ thống của mình từ đầu đến cuối.
Khi cài đặt thì ta sẽ log in vào hệ thống được boot bằng quyền root. Câu lệnh quan trọng nhất khi cài đặt là setup-alpine. Lệnh này sẽ hỏi một số thông tin như layout bàn phím, múi giờ,… và hướng dẫn người dùng phân vùng ổ đĩa của mình.
Cách cấu hình Alpine Linux
Thiết lập người dùng
Khi cài đặt Alpine lần đầu thì hệ thống chỉ có duy nhất một người dùng root. Tuy nhiên ta nên tạo thêm một user khác để hạn chế lỗ hổng bảo mật hoặc các trường hợp vô tình làm hỏng file hệ thống khi sử dụng user root.
Nhập lệnh sau để thêm user mới:
adduser -h /home/username -s /bin/ash/ username
Trong đó, username là tên user khi đăng nhập, option -h cho phép chỉ định home directory của người dùng, option -s chỉ định tên đường dẫn cho shell (ash là shell mặc định của BusyBox và cũng là shell được cài đặt trong Alpine Linux). Nếu muốn dùng shell khác thì ta có thể trích đường dẫn đến shell cần sử dụng qua option này.
Đặt password cho user:
passwd username
Sau đó ta sẽ được yêu cầu nhập mật khẩu cho user và nhập lại lần nữa để xác thực. Sau khi hoàn tất, log out khỏi tài khoản root rồi đăng nhập vào user vừa tạo.
Theo mặc định, nếu muốn chạy lệnh bằng quyền root thì ta có thể dùng lệnh su như sau:
su -
Trong đó, option - dùng để khởi động một login shell như đang đăng nhập bằng quyền root. Sau khi nhập mật khẩu root, màn hình sẽ có biểu tượng # để cho biết ta đang chạy bằng quyền root. Sau khi chạy xong các lệnh quản trị, bạn nên thoát phiên root bằng lệnh logout hoặc tổ hợp Ctrl + D.
Quản lý package
Tương tự như các bản phân phối Linux khác, Alpine cũng sử dụng một công cụ để quản lý package có tên Alpine Package Keep (APK). Cách sử dụng APK tương đối đơn giản, nếu đã quen với apt trên Debian/Ubuntu thì bạn sẽ chẳng gặp bất kỳ khó khăn nào.
Để cập nhật repository:
apk update
Nâng cấp package lên phiên bản mới nhất:
apk upgrade
Cài đặt package, giả sử ta cần cài đặt Vim:
apk add vim
Xóa package:
apk del package
Thiết lập môi trường desktop
Nếu chỉ sử dụng Alpine như một server thì ta không cần cài đặt môi trường đồ họa cho hệ thống. Tất nhiên, Alpine Linux vẫn cho phép người dễ dàng dùng thiết lập môi trường như các Linux distro khác.
Alpine cho phép sử dụng lệnh setup-xorg-base để thiết lập X. Quá trình thiết lập sẽ tương tự như khi cài đặt Alpine, hầu hết các cấu hình cũng đều là tự động.
Tiếp theo ta cần tự cài đặt các công cụ quản lý cửa sổ, desktop, công cụ quản lý file,… và có thể là cả một trình quản lý hiển thị như LightDM.
Ví dụ, để sử dụng LXDM:
rc-update lxdm
rc-service lxdm start
Lời kết
Đối với những người dùng cần một hệ điều hành nhẹ cho máy cấu hình thấp hoặc chạy trong container thì Alpine là một lựa chọn phù hợp với thiết kế tối giản. Chúc các bạn thành công.